Thi THPT quốc gia 2019: Kỳ vọng kết quả thi trung thực

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã chính thức khép lại. Công tác chấm thi đang được các sở GD&ĐT và các trường ĐH ráo riết triển khai. Thế nhưng do kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức, chấm thi, ra đề... nên đến nay vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về cả quá trình thi vừa qua.

NGUYỄN THỊ HỒNG CHÂU, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM:

Đề thi tăng ứng dụng, cách dạy và học cần thay đổi

 NGUYỄN THỊ HỒNG CHÂU

Nhìn chung, đề thi các môn nhóm xã hội năm nay nhẹ nhàng và gắn liền với thực tiễn hơn. Nó đòi hỏi thí sinh không chỉ học bài đơn thuần là đủ, các em phải biết liên hệ thực tiễn, phải nắm bắt các vấn đề thời sự từ cuộc sống mới hiểu và áp dụng vào bài làm tốt.

Như đề văn có thay đổi về cách đặt câu hỏi cũng như đã gắn được với thực tiễn khi nói về ý chí và khát vọng của con người trong cuộc sống. Tuy nhiên, qua tình hình làm bài của thí sinh lại cho thấy các em hiện nay rất yếu kỹ năng làm bài ngữ văn. Các em vẫn còn nặng học thuộc lý thuyết, học máy móc nên tỏ ra bất ngờ vì đề nằm “ngoài tủ”. Điều đó cho thấy việc dạy và học môn này còn nhiều điều đáng bàn dù nhiều năm nay đề thi đã đổi mới rõ rệt.

Hay như môn giáo dục công dân, đề dàn đều ở tất cả bài học, kiến thức rất rộng, từ các bộ luật, vụ án, tình huống... Nếu giáo viên chỉ dạy theo sách giáo khoa hoặc thí sinh chỉ học từ sách vở là thua.

Như thế để thấy cách ra đề những năm gần đây đã thay đổi nhiều theo hướng ứng dụng thực tế để giảm tải lý thuyết và học thuộc, học tủ trong nhà trường. Do đó, bản thân giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy. Không chỉ là dạy cho học sinh được bao nhiêu kiến thức mà quan trọng hơn là trang bị cho học sinh được những kỹ năng làm bài, kỹ năng học và tìm tòi kiến thức. Có như vậy, việc học sẽ bớt áp lực và sẽ thú vị hơn, khi gặp bất cứ đề thi hay tình huống nào cũng có phương pháp để giải quyết.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Thầy LÂM VŨ CÔNG CHÍNH, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10:

Đề thi quá an toàn, khó phục vụ việc xét ĐH

Thầy LÂM VŨ CÔNG CHÍNH

Nếu điểm số của thí sinh năm nay cao cũng không thể nói là chất lượng giáo dục đang đi lên. Năm trước đề khó, năm nay đề dễ, nghĩa là đề thi thay đổi liên tục. Giá như Bộ GD&ĐT có thể thống nhất đề ở mức độ nào đó thì tỉ lệ tốt nghiệp năm nay mới có thể so với năm trước, từ đó mới đánh giá được chất lượng của học sinh. Còn hiện tại tất cả đang phụ thuộc vào cách ra đề của ban ra đề. Ban ra đề cho đề tương đối nhẹ nhàng thì thí sinh làm được. Ngược lại, ban ra đề cho đề khó thì năm đó tỉ lệ điểm số đi xuống. Đây không phải là cái hay của cách làm giáo dục.

Mặt khác, các trường ĐH đã tổ chức những kỳ thi riêng. Như ĐH Quốc gia TP.HCM mở kỳ thi đánh giá năng lực hay các trường xét tuyển bằng học bạ thì khá nhiều em đã nhận được kết quả đậu ĐH. Các em chỉ cần chờ kết quả xét tốt nghiệp để nhập học. Điều này không khiến các em cảm thấy áp lực khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Vậy liệu có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp và các trường cũng có thể dựa vào đó để xét ĐH hay không?

ThS PHẠM THÁI SƠN, thành viên Ban chỉ đạo thi, Giám đốc tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM:

Áp lực nhưng hy vọng kết quả thi tin cậy hơn

ThS PHẠM THÁI SƠN

Với đề thi năm nay, sẽ không có tình trạng mưa điểm 10 nhưng điểm 8, 9 là không ít. Và với việc mỗi năm độ khó dễ của đề thi lại khác nhau thì thật khó để nói rằng khâu ra đề có tính chuẩn hóa cao được. Đây thực sự là vấn đề nên được quan tâm nhiều hơn vì đề thi sẽ ảnh hưởng đến cách học tập của các em.

Về công tác chấm thi, năm nay ngoài việc các trường ĐH chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm và tham gia điều hành chấm tự luận thì những biện pháp kỹ thuật cũng được tăng cường như gắn camera giám sát tất cả phòng chấm, quy trình quét bài thi và xử lý bài thi cũng được cải tiến để tránh tình trạng tiêu cực xảy ra. Công tác thanh tra cũng nghiêm túc hơn, thanh tra của Bộ GD&ĐT túc trực liên tục nên hy vọng kết quả sẽ đáng tin cậy hơn.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:

Gian lận giảm, kết quả sẽ trung thực hơn

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG

Theo tôi, đề thi năm nay được chuẩn hóa hơn, không dễ đến mức nhiều điểm 10 nhưng cũng không khó quá. Nó đáp ứng được mặt bằng chung cho mọi vùng miền trong cả nước, đáp ứng được cả hai mục đích xét tuyển ĐH-CĐ và tốt nghiệp.

Công tác chấm thi năm nay được chú trọng hơn nhiều, nhất là các bài trắc nghiệm giao về cho các trường ĐH.

Quá trình chấm được thực hiện nghiêm ngặt, khu vực chấm có nhiều vòng an ninh chặt chẽ, máy quét được mã hóa nên chắc chắn kết quả sẽ trung thực và chính xác, khó có sự can thiệp từ bên ngoài.

Đúng ngày 14-7, công bố điểm thi THPT quốc gia

Ngay sau khi các môn thi THPT quốc gia 2019 kết thúc, chiều 27-6, nhiều địa phương đã tiến hành bàn giao bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết các trường đều phải đảm bảo hoàn tất theo đúng lịch chung mà Bộ đã đặt ra.

Trong đó, chậm nhất là ngày 11-7 các trường chấm thi trắc nghiệm xong và gửi về Bộ kết quả chấm trắc nghiệm sau khi chấm chính thức.

Ông Trinh khẳng định dù tiến độ chấm thi có thể khác nhau nhưng các trường đều phải công bố điểm vào ngày 14-7, không tỉnh, thành nào được công bố trước hay sau mốc này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm