Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, chiều 27-6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo. Bộ đánh giá kỳ thi diễn ra nghiêm túc và nhẹ nhàng.
Giám thị sai, thí sinh Sơn La, Lào Cai phải thi lại
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đánh giá cao nỗ lực chung của các địa phương trên cả nước trong việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi với những điểm mới được Bộ quy định nhằm siết chặt kỷ cương kỳ thi.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, về cơ bản, các điểm thi trên cả nước đã thực hiện tốt quy chế. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số sai sót xảy ra ở một số hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi. Điển hình là việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Ông Mai Văn Trinh cho hay dù được tập huấn kỹ nhưng một số cán bộ coi thi vẫn chưa thành thạo khi xử lý các tình huống phát sinh. Tại Lào Cai, cán bộ coi thi ký nhầm ô tại tờ giấy thi của ba thí sinh môn ngữ văn. Cán bộ coi thi yêu cầu thí sinh chép lại nhưng không bù giờ.
Trong khi đó, ở Sơn La, một thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách nhưng cán bộ coi thi cũng xử lý không hợp lý. Cán bộ này yêu cầu thí sinh thi môn ngữ văn chép lại sang tờ giấy thi khác nhưng không bù thời gian cho em.
Đối với những sự cố này, ông Trinh cho hay tinh thần của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia là đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh. Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã có công văn khẩn gửi trưởng ban chỉ đạo thi THPT của Sơn La và Lào Cai, đồng ý với đề nghị của hai ban chỉ đạo này tổ chức thi lại môn ngữ văn bằng đề thi dự bị tại điểm thi số 2 huyện Bắc Hà (Lào Cai) và điểm thi Trường THPT Tô Hiệu (Sơn La) ngay trong chiều 27-6.
Về vụ việc thí sinh làm lọt đề thi ra ngoài ở Phú Thọ, ông Mai Văn Trinh cho biết việc đình chỉ coi thi hai cán bộ chỉ là xử lý tức thời. Sự việc vẫn đang tiếp tục điều tra, nếu phát hiện gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì có thể sẽ cân nhắc mức kỷ luật nghiêm khắc hơn.
Thí sinh sau giờ thi tổ hợp môn cuối cùng, môn khoa học xã hội, sáng 27-6. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đề thi có dễ, điểm xét tuyển ĐH-CĐ tăng?
Một số người hỏi rằng liệu có phải vì Bộ GD&ĐT sử dụng 70% tổng điểm xét tốt nghiệp là điểm kỳ thi nên đề thi năm nay dễ hơn để tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước cao không? Một số ý kiến cho rằng bài thi tổ hợp khoa học xã hội dễ hơn khoa học tự nhiên thì sẽ không công bằng với những thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên.
Ông Mai Văn Trinh phân tích: Trước đây có hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, còn hiện nay chỉ có một kỳ thi với mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh đã hoàn thành chương trình THPT. Nếu kết quả này đáng tin cậy, các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Và trên thực tế, đa số các trường đều sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Đề thi phải bám sát mục tiêu này.
Ông phủ nhận đánh giá cho rằng đề thi khoa học xã hội dễ hơn khoa học tự nhiên và khẳng định bài thi nào cũng có các nhóm dễ và khó hơn, sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó.
Thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng đề thi các môn năm nay tương đối nhẹ nhàng hơn năm rồi. Thí sinh sẽ dễ dàng lấy được điểm trung bình. Còn những thí sinh có học lực khá giỏi không khó để đạt điểm cao. Vì thế, dù năm nay Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh tỉ lệ xét tốt nghiệp lên 70/30 nhưng tỉ lệ đậu tốt nghiệp sẽ không giảm, ngược lại sẽ giữ vững như năm ngoái, thậm chí có khả năng cao hơn.
Bên cạnh đó, theo thầy Huân, đầu vào các trường ĐH sẽ có khả năng cạnh tranh cao, điểm chuẩn của các trường sẽ tăng, tỉ lệ chọi giữa các thí sinh cũng sẽ tăng.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, cho rằng đề thi năm nay vừa đủ để thí sinh xét tuyển tốt nghiệp và ĐH nên có thể điểm thi của các bài thi sẽ không thấp hơn. Nhiều thí sinh dự đoán điểm các môn xã hội cao hơn. Tuy nhiên, theo TS Nghĩa, những em thi bài thi khoa học tự nhiên đều dùng kết quả này để xét tuyển ĐH nhưng những em thi khoa học xã hội lại khác.
“Các bài xã hội theo nhiều năm có điểm rất cao nhưng môn giáo dục công dân chưa phải là môn xét tuyển ĐH. Hầu hết thí sinh thi bài này chủ yếu dùng để xét tốt nghiệp nên điểm như thế nào sẽ không ảnh hưởng lắm đến xét tuyển ĐH” - TS Nghĩa nói.
Công bố điểm thi sẽ chậm ba ngày Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT, cho biết năm nay có nhiều thay đổi trong công tác chấm thi, nhất là chấm thi trắc nghiệm sẽ có một số điều chỉnh với quy trình chặt chẽ, kỹ càng, chi tiết hơn. Bộ bổ sung khâu làm phách điện tử nên chắc chắn thời gian chấm thi sẽ lâu hơn năm 2018. Theo ông Trinh, năm nay điểm thi sẽ được công bố vào ngày 14-7, tức chậm hơn ba ngày so với năm trước. Đây là phương án được Bộ dự tính từ trước nên sẽ không làm ảnh hưởng đến lịch xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ của thí sinh cũng như các trường. 79 thí sinh và sáu cán bộ bị xử lý kỷ luật Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.980 điểm thi với trên 38.000 phòng thi. Gần 50.000 cán bộ, giảng viên được huy động từ 216 trường ĐH, học viện, CĐ. Tỉ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%. Có 79 thí sinh và sáu cán bộ bị xử lý kỷ luật vì vi phạm quy chế (trong đó, 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, ba thí sinh bị cảnh cáo, bốn thí sinh bị khiển trách). |