Thi tốt nghiệp THPT: Nhiều trường ủng hộ bỏ thi bắt buộc tiếng Anh

(PLO)- Dự thảo về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đề xuất môn ngoại ngữ (trong đó có tiếng Anh) không còn là bắt buộc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình dự thảo về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn tự chọn trong các môn ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ (phương án 2+2).

Điều này đồng nghĩa các em sẽ không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, trong đó phần lớn là tiếng Anh. Đề xuất này khiến nhiều người băn khoăn, tuy nhiên đa số đồng tình.

Lo ngại nếu không thi, học sinh sẽ không chịu học

Thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM, lo ngại: Thực tế hiện nay học sinh (HS) chỉ học các môn để thi nên nếu không thi các em sẽ không chú ý. Do đó, nếu tiếng Anh là môn tự chọn thi tốt nghiệp, các em sẵn sàng bỏ và không học. Đây là một hệ lụy vô cùng nguy hiểm đi ngược lại với xu thế toàn cầu và hội nhập.

Theo thầy Huân, một số ý kiến cho rằng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên chất lượng dạy tiếng Anh không đồng đều ở mỗi nơi. “Tôi cho rằng quan điểm này không đúng. Vì đây là kỳ thi tốt nghiệp, kiểm tra kiến thức cơ bản và cốt lõi nhất mà HS cần phải có, không phải là kỳ thi tuyển chọn HS giỏi” - thầy Huân nói.

tiếng Anh
Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM trong một giờ học tiếng Anh. Ảnh: NQ

Đồng quan điểm, ông Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, chia sẻ: Chúng ta đang trên con đường hội nhập và ngoại ngữ rất quan trọng.

“Nếu để tiếng Anh trở thành môn tự chọn là vấn đề cần phải suy nghĩ lại. Từ xưa đến giờ tiếng Anh là môn bắt buộc. Nó cũng là thước đo để đánh giá đầu ra của các em HS trong quá trình hội nhập và bước vào cánh cửa ĐH. Theo cá nhân của tôi không nên để ngoại ngữ là môn tự chọn” - ông Khoa nói.

Phương án 2+2 là điểm tích cực và sẽ giảm áp lực đáng kể cho HS. Bên cạnh đó, cũng giảm chi phí khi tổ chức kỳ thi.

GS-TSKH NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH
Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội

Theo ông Khoa, tại TP.HCM nói chung và Trường THPT Lê Quý Đôn nói riêng đang triển khai mô hình tiên tiến hội nhập. Do đó, khi kết thúc lớp 12 đa số HS đã tự trang bị cho mình những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi ĐH. Tuy nhiên, thực tế không phải HS nào cũng có điều kiện để tham gia các kỳ thi nói trên. Do đó vẫn cần có bài thi chung về ngoại ngữ để đánh giá năng lực. Đó là lý do ngoại ngữ không thể là môn tự chọn.

Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá: “Mặc dù còn có những khó khăn đối với HS vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận học ngoại ngữ nhưng việc bắt buộc học và thi ngoại ngữ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoại ngữ phải trở thành một hành trang, một công cụ của thế hệ trẻ Việt Nam” - ông Đức nhấn mạnh.

Giảm áp lực cho thí sinh

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, bày tỏ: “Ban đầu, tôi lựa chọn phương án tiếng Anh là môn bắt buộc. Vì tôi nghĩ nếu không thi, vai trò của môn học này trong các trường sẽ đi xuống. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt thêm thông tin từ dư luận cũng như thực tế tại TP.HCM, tôi thấy phương án của bộ là hợp lý”.

Theo bà Mai, hiện nay tại các TP lớn như TP.HCM, các gia đình đều có ý thức đầu tư cho con trong việc học tiếng Anh ngay từ bé. Họ đầu tư không chỉ vì thi cử mà mong muốn con sẽ đạt chuẩn tiếng Anh để hội nhập với thế giới, phù hợp với xu thế hiện nay. Do đó, có thể môn tiếng Anh không còn bắt buộc nhưng vai trò của nó cũng không bị giảm sút.

Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.HCM, cũng cho biết phương án thi của bộ giảm áp lực cho HS, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà, Hà Nội, bày tỏ: “Thi bốn môn là hợp lý, tạo thuận lợi cho người dạy, người học và lực lượng tổ chức thi. Về cơ bản, việc giảm áp lực tại kỳ thi này sẽ nhận được phần đông ý kiến tán thành từ xã hội”.

Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà chia sẻ thêm không phải khi tiếng Anh là môn thi bắt buộc thì HS mới học và ngược lại.

“Việc học môn nào đó, không hẳn là để thi mà liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em. Nếu học chỉ để đi thi thì thái độ học của HS sẽ mang tính chống đối, không mang tính thực chất, lâu dài” - ông Khương nhấn mạnh.

Thầy Nghiêm Xuân Lực, giáo viên Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng, cũng đồng thuận cao với phương án 2+2.

Thầy cho rằng đổi mới giáo dục tạo điều kiện để HS phát huy năng lực, giảm áp lực. Số môn thi giảm, áp lực HS sẽ giảm đi rất nhiều, từ đó các em sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân để suy nghĩ và lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Học sinh vui mừng

Em ủng hộ phương án thi bốn môn do Bộ GD&ĐT đề xuất, số môn thi bắt buộc giảm, gánh nặng áp lực thi cử của HS cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Lúc đó, chúng em sẽ có nhiều thời gian để ôn tập kỹ lưỡng cho kỳ thi quan trọng.

Em NGUYỄN MINH ANH, HS lớp 11 Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội

Phương án 2+2 này vừa giảm áp lực thi cử cho HS, vừa giảm bớt chi phí cho gia đình, xã hội. Đặc biệt, là HS, em cảm thấy việc giảm môn thi còn làm kỳ thi trở nên gọn nhẹ hơn mà vẫn thuận lợi cho việc HS lấy điểm xét tuyển vào các cơ sở giáo dục ĐH.

Em NGUYỄN XUÂN HUY, HS Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm