Để có cái nhìn khách quan, đa chiều về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, chúng tôi giới thiệu về thị trường điện ở Singapore - một trong những thị trường điện được hình thành sớm và vận hành đến nay đã được 21 năm. Thị trường điện cạnh tranh Singapore đã có quá trình hình thành trong 10 năm từ năm 1998 đến 2008 để có thể vận hành như ngày hôm nay.
Chính phủ Singapore nắm độc quyền truyền tải điện
Thời kỳ đầu của hệ thống điện Singapore, các khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối đều do Temarsek nắm giữ (hay nói cách khác là Chính phủ giữ độc quyền). Đến năm 1998-1999, Chính phủ Singapore tách dần các khâu ra khỏi Temarsek và giảm dần tỉ lệ nắm giữ vốn tại các tổng công ty, mở đường cho thị trường điện cạnh tranh hình thành và phát triển.
Cấu trúc thị trường điện của Singapore.
Trong khi đó, thị trường điện cạnh tranh Việt Nam bước đầu đã được hình thành khi thị trường phát điện cạnh tranh được thử nghiệm và vận hành từ năm 2014. Việt Nam đã thực hiện tách bạch các khâu: Phát điện, truyền tải, phân phối. Ba Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 (EVNGENCO 1, 2, 3) đã và đang được thực hiện từng bước cổ phần hóa. Có thể thấy những bước phát triển của thị trường điện Việt Nam có những nét tương đồng với việc hình thành và phát triển của thị trường điện Singapore.
Hiện nay, toàn bộ thị trường điện Singapore do Cơ quan điều tiết quản lý thị trường năng lượng EMA (Energy Market Authority) - Bộ Công Thương Singapore trực tiếp giám sát và quản lý các hoạt động điện lực. Các khâu như phát điện, truyền tải, vận hành thị trường điện, bán lẻ và phân phối điện được tách bạch và thực hiện bởi các đơn vị khác nhau.
Trực thuộc quản lý EMA có hai tổng công ty nhằm đảm bảo Chính phủ nắm giữ độc quyền về truyền tải cũng như an ninh hệ thống. Cụ thể, Công ty Vận hành hệ thống điện (PSO), là một đơn vị của Chính phủ quản lý, chịu trách nhiệm cung cấp điện năng ổn định và an ninh hệ thống. Trong khi đó, Công ty Lưới điện quốc gia (SP Power Assets) sở hữu toàn bộ lưới điện Singapore, có chức năng vận hành vào bảo dưỡng lưới điện. Trong SP Power Assets có hai công ty trực thuộc, đó là: (1) SP service chuyên quản lý hệ thống lưới điện phân phối, điều hành hệ thống phân phối cho các đơn vị bán lẻ điện; (2) Đơn vị cung cấp các dịch vụ cho thị trường (MSSL) gồm thanh toán với khách hàng; đọc công tơ và quản lý dữ liệu đo đếm; cung cấp các dịch vụ cho khách hàng mới; lập hóa đơn và thanh toán phí truyền tải; bán điện cho các khách hàng nhỏ và gián tiếp bán điện cho khách hàng lớn.
Nhiều biểu giá điện linh hoạt
Từ tháng 11-2018, Singapore bắt đầu triển khai thử nghiệm thị trường điện bán lẻ cho các khách hàng nhỏ trên bốn vùng trong cả nước và chính thức vận hành thị trường điện bán lẻ hoàn chỉnh từ tháng 5-2019 (Open Energy Market - OEM). Singapore có khoảng 27 đơn vị kinh doanh bán lẻ điện hoạt động.
Thị trường điện bán lẻ cạnh tranh Singapore đem lại cho khách hàng nhiều lựa chọn về các phương án giá và các đơn vị phân phối khác nhau. Cùng với đó, chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện luôn được đảm bảo cho khách hàng kể cả khi chuyển đổi sang đơn vị bán lẻ điện khác, do việc vận hành lưới điện và cấp điện đến khách hàng tiêu thụ điện vẫn do SP Group (một đơn vị độc lập với các bên) đảm nhận.
Thị trường bán lẻ điện của Singapore.
Thị trường điện bán lẻ của Singapore cũng xây dựng biểu giá điện linh hoạt, bao gồm: Mức giá điện cố định (ví dụ, 20 cents/kWh) trong toàn bộ khoảng thời gian bán điện cho khách hàng theo hợp đồng đã ký; tính chiết khấu theo biểu giá bán lẻ điều tiết: Giá bán điện cho khách hàng được chiết khấu giảm (ví dụ, khoảng 5%) so với mức giá bán lẻ điều tiết do Ủy ban Điều tiết năng lượng Singapore phê duyệt hằng quý; biểu giá cao - thấp điểm: Mức giá điện thay đổi theo các chu kỳ (ví dụ, 25 cents/kWh trong các giờ cao điểm từ 8 giờ đến 20 giờ và 15 cents/kWh trong các chu kỳ thấp điểm còn lại).
Đặc biệt, Singapore không đưa các thành phần trợ giá, bù giá vào trong giá điện, nhằm mục đích định giá điện chính xác, đầy đủ và khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tránh lãng phí.
Theo Quyết định 63/2013 của Thủ tướng, thị trường điện tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua ba cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (năm 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thí điểm từ năm 2015-2016 và hoàn chỉnh từ năm 2017-2021), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2021-2023) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ sau năm 2023). |