QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI Ở TP.HCM - BÀI 1

Chất thải nguy hại ngày càng nhiều

Bởi theo dự báo, lượng CTNH hiện đang gia tăng nhanh không chỉ ở TP.HCM mà còn các tỉnh lân cận và sẽ vô cùng đáng lo khi nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Nguồn phát sinh ngày càng lớn

Hiện nay, tại TP.HCM nguồn phát sinh CTNH tập trung từ hoạt động của 12.000 nhà máy, xí nghiệp, trong đó có khoảng 1.000 nhà máy lớn; 14 khu công nghiệp-khu chế xuất với khoảng 1.000 DN đang hoạt động và từ 200 cơ sở y tế của TP.

Bên cạnh đó còn phải kể đến nguồn CTNH phát sinh từ 20.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của các hộ gia đình (1,4 triệu hộ); các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, cơ sở y tế vừa và nhỏ… Khối lượng chất thải từ các nguồn này ước tính có khoảng 10% là CTNH. Hằng ngày, trên toàn TP phát sinh khoảng 900-1.200 tấn chất thải rắn công nghiệp; 300-350 tấn CTNH từ hoạt động công nghiệp và khoảng hơn 10 tấn chất thải y tế. Ngoài ra còn có số lượng CTNH phát sinh nhưng chưa được thống kê đầy đủ từ hoạt động dân sự, nghiên cứu hoặc CTNH mà TP.HCM tiếp nhận xử lý từ các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… Nếu tính đúng, tính đủ các nguồn phát sinh thì tại TP.HCM, khối lượng CTNH phát sinh lớn nhất có thể lên đến 500 tấn/ngày.

Chất thải nguy hại ngày càng nhiều ảnh 1

Rác thải không chỉ được thải ra ở trong nước mà còn được “nhập khẩu” vào Việt Nam qua nhiều con đường khác. (Ảnh minh họa)

Đến 2015, 300.000 tấn/năm

Nếu chỉ tính lượng CTNH và với tốc độ tăng trưởng hằng năm 10%-12%/năm, tính tất cả các nguồn thải ở mức phát thải lớn nhất là 500 tấn/ngày thì đến năm 2015, CTNH tại TP.HCM có thể lên đến 300.000 tấn/năm. Lượng chất thải dự báo này đòi hỏi cần có một hệ thống quản lý hoàn thiện từ chiến lược, định hướng, quy hoạch cụ thể.

Từ dự báo nguồn CTNH phát sinh, với nỗ lực thực hiện phát triển kinh tế-xã hội theo hướng phát triển bền vững (phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường); đồng thời căn cứ vào thực trạng đang từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước và quản lý kỹ thuật đối với lĩnh vực quản lý chất thải, TP.HCM đã và đang xây dựng chiến lược quản lý môi trường TP nói chung và định hướng cho công tác quản lý chất thải rắn và quản lý CTNH nói riêng. Theo quan điểm của các nhà quản lý môi trường, chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, chiến lược về quản lý tổng hợp chất thải rắn do Chính phủ ban hành, việc quản lý chất thải rắn và quản lý CTNH là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tại đợt tập huấn vừa qua, việc thu gom, phân loại chất thải công nghiệp và CTNH tại nguồn qua các chương trình kiểm tra, giám sát cho thấy các nhà máy trong khu công nghiệp-khu chế xuất thực hiện tương đối tốt việc thu gom, phân loại chất thải công nghiệp-CTNH từ lúc phát sinh, lưu giữ có thiết bị an toàn, tập trung. Chất thải y tế nguy hại cũng được phân loại, thu gom, lưu giữ đảm bảo kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp, các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ... lại chưa quan tâm đúng mức về CTNH để quản lý đúng quy định; CTNH còn để lẫn trong các chất thải khác, lưu giữ tạm tại cơ sở không đảm bảo an toàn về môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm