Với các cơ sở giáo dục ĐH, để có được một đội ngũ giảng viên đủ chuẩn là cả một quá trình dài từ tuyển dụng, đào tạo và duy trì đội ngũ rất công phu, tốn kém.
Số lượng giáo sư, phó giáo sư đã thấp lại càng giảm
Không thể ngày một ngày hai, năm năm hay 10 năm mà trường ĐH có thể có ngay một đội ngũ giáo sư (GS) đông đảo về số lượng và chuyên sâu về chất lượng.
Thế nhưng những chính sách khai thác, sử dụng những nhà giáo có chức danh GS, phó giáo sư (PGS) hiện hành lại đang bị bó chặt trong các quy định, nghị định mới được ban hành và đang vận dụng trong thực tiễn.
|
Thầy trò lớp cao học trong một giờ thực hành nghiên cứu tại khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: P.ANH |
Cụ thể, ở khu vực giáo dục công lập tại Việt Nam, giảng viên ĐH được quản lý theo Luật Viên chức, tức làm việc đến 62 tuổi (đối với nam) và 60 tuổi (đối với nữ).
Để đạt chức danh GS, những giảng viên ở Pháp phải đến tuổi trung bình là khoảng 56-58 tuổi. Còn ở Việt Nam thì phải gần đến tuổi về hưu hoặc sau khi về hưu. Như vậy, khi đạt được chức danh GS cũng là lúc người giảng viên phải nghĩ đến những dự định nghỉ ngơi của hưu trí, chứ không phải quan tâm đến những ý tưởng hay dự án cống hiến nữa.
Từ khi triển khai Quyết định 37/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cao hơn và đang dần tiệm cận với chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, số lượng GS, PGS được công nhận hằng năm có xu hướng giảm.
|
PGS-TSKH Phạm Đức Chính. |
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT (tháng 12-2021), tỉ lệ giảng viên có chức danh GS chỉ là 0,89% (chưa đến 1%), tỉ lệ giảng viên có chức danh PGS cũng chỉ chiếm 6,21% trên tổng số giảng viên ĐH, thấp và giảm so với năm 2010.
Cạnh đó, theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, tối đa không quá năm năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định trước đó theo Nghị định 141/2013 là không quá 10 năm với GS và bảy năm với PGS).
Những quy định mới theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP sẽ không hấp dẫn để những giảng viên có học vị cao tâm huyết với nghề quan tâm đến thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Những điều này khiến tỉ lệ các nhà giáo có chức danh GS, PGS trong hệ thống giáo dục, đào tạo bậc cao đã thấp lại tiếp tục thấp hơn nếu các trường vận dụng triệt để các nghị định mới.
Bốn hệ quả cho giáo dục, khoa học quốc gia
Thứ nhất, rất lãng phí trong khai thác các nguồn lực, đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu có trình độ cao, chuyên sâu đã được đầu tư đào tạo công phu, tốn kém. Trong khi tỉ lệ nhà giáo có trình độ cao của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới.
Tính riêng năm 2023, khi áp dụng Nghị định 50/2022, ĐH Quốc gia TP.HCM bị giảm 12 GS và 19 PGS. Ước tính điều này tác động đến điều kiện duy trì của 17 ngành trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH/thạc sĩ/tiến sĩ tương ứng là 2.690/175/189.
Đặc biệt, xếp hạng ĐH theo chuẩn quốc tế của ĐH Quốc gia TP.HCM từ đây cũng sẽ bị giảm trên bản đồ ĐH thế giới.
Thứ hai, các trường công lập đầu đàn, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu đời lại luôn luôn rơi vào tình trạng thiếu hụt đội ngũ đào tạo sau ĐH và không thể xây dựng được một đội ngũ chuyên gia đầu ngành ổn định phục vụ đào tạo bậc cao và nghiên cứu khoa học chuyên sâu.
Thứ ba, hình thành một cấu trúc đào tạo bậc cao trong hệ thống giáo dục quốc dân bị lệch chuẩn.
Khu vực tư nhân thì có lực lượng GS, PGS phong phú (di chuyển từ khu vực công sang tư) vì họ chỉ tuân theo luật lao động nên không giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, khu vực tư chỉ tập trung thu hút ở những ngành nghề mà thị trường có nhu cầu như công nghệ thông tin, luật học hay quản trị kinh doanh…
Như vậy, các PGS, GS đầu ngành có chuyên môn sâu trong lĩnh vực khoa học cơ bản như triết học, văn học, toán học, vật lý học, hóa học… nếu thị trường không có nhu cầu thì sẽ không được sử dụng khi nhiệt huyết cống hiến vừa mới bước vào thời kỳ đỉnh cao. Tức là Nhà nước phải tài trợ thì mới có khoa học cơ bản phát triển.
Thứ tư, khoảng cách giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ ngày càng rộng ra. Thực tế cho thấy rằng những người có thành tích công bố nghiên cứu khoa học trong trường ĐH lại tập trung vào nhóm nghiên cứu của các GS, PGS.
Do đó, việc giới hạn độ tuổi cống hiến thì chắc chắn giới hạn thành tích hoạt động nghiên cứu khoa học. Thêm nữa, đối với các trường ĐH định hướng nghiên cứu, nếu có ít GS, PGS về mặt số lượng sẽ ảnh hưởng đến việc mở ngành mới, khó hợp tác quốc tế. Từ đó không thành lập được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, không thu hút được học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Hai giải pháp cần tháo gỡ
Theo PGS-TSKH Phạm Đức Chính cải cách hệ thống giáo dục ĐH phải bắt đầu từ chính hệ thống pháp luật hiện hành:
Thứ nhất, tách rời chức danh giảng viên ĐH và viên chức nhà nước. Giảng viên không nên xếp vào ngạch viên chức, mà chỉ nên quản lý theo Luật Giáo dục ĐH, luật lao động để cởi trói cho cơ chế sử dụng đội ngũ GS, PGS theo nhu cầu của các cơ sở đào tạo ĐH và sau ĐH.
Trên nền tảng đó, GS, PGS có thể được sử dụng suốt đời như ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục Việt Nam tương thích với cấu trúc phát triển hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành giáo dục, cũng như mỗi cơ sở đào tạo.
Thứ hai, các trường ĐH công lập đã được tự chủ thì cần được cởi trói để tự chủ sâu hơn trong chính sách sử dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên sâu. Quan điểm sử dụng các nhà giáo có chức danh GS, PGS nên được quán triệt dựa trên triết lý giáo dục, học suốt đời thì cống hiến cũng suốt đời nếu chính bản thân những nhà giáo ấy còn cơ hội, đủ sức khỏe để vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp.