Thiếu luật nên không thể sửa sai?

Vừa qua, Công ty Hoàng Dũng và Công ty Eastland Produce Pte (EP) tranh chấp hợp đồng thương mại nên yêu cầu Thị trường trao đổi hàng hóa Singapore (SICOM) giải quyết. Sau đó, SICOM tuyên bố Hoàng Dũng có lỗi nên phải thanh toán cho EP hơn 110.000 USD.

Công nhận quyết định trọng tài

Dựa vào tuyên bố trên, EP nộp đơn yêu cầu TAND TP.HCM công nhận và cho thi hành quyết định của SICOM. Công ty EP cho rằng quyết định giải quyết tranh chấp của SICOM là một quyết định của tổ chức trọng tài nước ngoài nên tòa án Việt Nam công nhận là phù hợp.

Phía Hoàng Dũng thì đề nghị tòa bác yêu cầu của EP, không công nhận SICOM là tổ chức trọng tài...

Sau khi xem xét, TAND TP.HCM nhận định SICOM là một tổ chức trọng tài tại Singapore. Theo Công ước NewYork 1958 và các quy định của BLTTDS yêu cầu của EP là có cơ sở và đúng pháp luật. Tòa quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định trên của SICOM.

Không đồng ý, Hoàng Dũng kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã nhận định như tòa cấp sơ thẩm và bác toàn bộ kháng cáo, y phán quyết của cấp sơ thẩm.

Sai nhưng không thể sửa

Thấy mình bị thiệt, Hoàng Dũng đã gửi văn bản tới Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Singapore tại TP.HCM (TLS) đề nghị cho biết SICOM có phải là tổ chức trọng tài tại Singapore hay không?

Thiếu luật nên không thể sửa sai? ảnh 1

Theo Bộ Luật Tố tụng dân sự thì quyết định của TAND Tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật. Trong ảnh: Người dân đang xem thông tin các vụ án tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Phúc đáp, TLS cho biết về cơ bản, SICOM không có chức năng của một tổ chức trọng tài. Tại Singapore chỉ có một tổ chức trọng tài duy nhất là Trung tâm Trọng tài quốc tế Sigapore mà thôi.

Thấy tòa hai cấp đã xác định sai chức năng, nhiệm vụ của SICOM dẫn đến việc phán quyết không đúng, gây thiệt hại cho công ty, Hoàng Dũng đã làm đơn khiếu nại gửi lên chánh án TAND Tối cao đề nghị kháng nghị xem xét giám đốc thẩm.

TAND Tối cao sau đó đã có văn bản phúc đáp cho rằng, theo quy định tại đoạn cuối của Điều 373 BLTTDS, quyết định của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật.

Do đó, chánh án TAND Tối cao không có cơ sở pháp luật để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm theo đề nghị của công ty.

Tuy nhiên, đại diện của Hoàng Dũng cho rằng theo quy định tại Điều 283 BLTTDS, thủ tục giám đốc thẩm không loại trừ việc xem xét lại các quyết định công nhận và cho thi hành quyết định của tổ chức trọng tài nước ngoài đã có hiệu lực. Việc không kháng nghị giám đốc thẩm là không thỏa đáng.

Nhiều chuyên gia pháp luật cũng cho rằng cách hiểu như TAND Tối cao là chưa đúng tinh thần của Điều 373 BLTTDS. Thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh nên nếu có kháng cáo, kháng nghị thì đương nhiên TAND Tối cao phải là cấp xem xét tiếp theo và là quyết định chung thẩm, có hiệu lực thi hành ngay. Quy định như vậy chỉ để hiểu về hiệu lực của quyết định chứ không hề quy kết rằng quyết định công nhận của TAND Tối cao là không thể giám đốc thẩm hay tái thẩm.

Cơ quan điều tra vào cuộc

Cuối năm 2010, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đề nghị tạm dừng việc thi hành án đối với Công ty Hoàng Dũng để tiến hành điều tra làm rõ những hành vi trái pháp luật của số cá nhân liên quan.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tài liệu mà EP cung cấp cho tòa không đầy đủ, thiếu cơ sở pháp lý. Việc công chứng, chứng thực tài liệu nộp cho tòa cũng có nhiều sai sót, vi phạm pháp luật. Thực tế, SICOM không phải là tổ chức trọng tài mà chỉ là trung tâm giao dịch hàng hóa có bộ phận trọng tài nằm trong tổ chức này.

Cũng theo cơ quan điều tra, việc ra quyết định công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài của hai cấp tòa đã có dấu hiệu của tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 BLHS.

Luật còn lỗ hổng

Theo quy định của BLTTDS, thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm chỉ được áp dụng để xem xét đối với vụ án dân sự. Theo đó, Điều 282 quy định chỉ xét lại bản án, quyết định của tòa án… trong việc giải quyết vụ án chứ không đề cập đến việc dân sự. TAND Tối cao cho rằng không có cơ sở pháp luật để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với quyết định công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (việc dân sự) là phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Theo tôi, đây là một thiếu sót của pháp luật tố tụng đối với việc khắc phục sai sót trong việc giải quyết các vụ án dân sự, việc dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Với văn bản trả lời của Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Singapore rằng SICOM không phải là một tổ chức trọng tài thì rõ ràng đây là căn cứ xác định quyết định công nhận và cho thi hành của TAND hai cấp là chưa chính xác nhưng lại không có quy định để sửa sai. Những người có thẩm quyền cần xem xét và có kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung theo hướng thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm phải áp dụng để giải quyết cho cả vụ án và việc dân sự.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Xem xét tái thẩm

Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng TAND Tối cao hiểu chưa đúng tinh thần của Điều 373 BLTTDS như đã phân tích ở trên. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện tình tiết mới hoặc có vi phạm pháp luật thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong vụ án này, sau khi có quyết định phúc thẩm, cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra ban đầu, đây có thể được xem là tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định phúc thẩm theo quy định tại Điều 306 BLTTDS. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi, Công ty Hoàng Dũng có quyền đề nghị, kiến nghị viện trưởng VKSND Tối cao hoặc chánh án TAND Tối cao kháng nghị tái thẩm.

Luật sư LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm