Mới đây, một số doanh nghiệp (DN) Trung Quốc và Hàn Quốc muốn đặt mua hàng ngàn tấn thịt heo theo hình thức bao tiêu cả năm thông qua các công ty chuyên tư vấn xuất khẩu. Đây thực sự là tin vui cho ngành chăn nuôi heo trong bối cảnh giá heo hơi xuống đáy, chỉ còn quanh mức 25.000 đồng/kg và mỗi con heo người nuôi lỗ tới 1,5-2 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với thịt heo Việt Nam (VN) trong thời điểm hiện tại.
Nhiều trở ngại
VN nằm trong những quốc gia có ngành chăn nuôi hàng đầu thế giới với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Thế nhưng những năm qua VN vẫn chỉ xuất khẩu dạng tiểu ngạch heo sống sang Trung Quốc, còn xuất khẩu chính ngạch vẫn bế tắc.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), nhận định thịt heo VN khó xuất khẩu dù nhu cầu nhập khẩu thịt của nhiều nước trên thế giới là rất lớn. Một trong những nguyên nhân chính là do vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt heo của VN vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ, đông lạnh của các công ty nước ta chưa đạt được các tiêu chuẩn cao do thế giới đặt ra.
Ông Bình nhấn mạnh: “Có thể nói xuất khẩu thịt heo hay những loại thịt gia cầm khác của VN là vô phương ở thời điểm này, trừ khi chúng ta làm thực phẩm chế biến sẵn rồi xuất khẩu. Ví dụ, một công ty đã liên kết với đối tác Nhật Bản làm xuất khẩu sang nước này”.
Hơn nữa, giá thành chăn nuôi heo của VN vẫn còn cao hơn một số nước trên thế giới. Chẳng hạn, năng suất heo nái của thế giới sinh 25 con trong khi heo nái VN chỉ sinh được cao nhất 18 con.
Con đường xuất khẩu thịt heo của VN đang là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ảnh: QUANG HUY
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, ông Nguyễn Đăng Vang, cho biết thêm hiện nay VN mới chỉ xuất khẩu được heo sữa sang Hong Kong và Malaysia nhờ chúng ta đã ký hiệp định về thú y và công nhận chất lượng kiểm dịch của nhau. Như vậy, nếu về chính ngạch, sản phẩm của VN mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này, tuy nhiên với số lượng không nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, giải thích thêm VN đã có đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm. Song các nước chưa công nhận VN có vùng an toàn dịch bệnh nên khó xuất khẩu.
Ngoài ra còn do các trại chăn nuôi của VN chưa đảm bảo an toàn thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, như vẫn tồn tại vấn đề dư lượng kháng sinh, chất cấm.
Thái Lan làm được, Việt Nam cũng có thể
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Đông Âu có nhu cầu nhập khẩu các loại thịt từ VN. Nhưng vấn đề là sản phẩm phải đạt chất lượng và an toàn.
“Thái Lan cũng nằm trong khu vực có dịch cúm gia cầm như VN nhưng nước này vẫn xuất khẩu được thịt gà đi nhiều quốc gia. Lý do là họ làm tốt công tác triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện của Tổ chức Thú y Thế giới” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn chứng.
Từ đó, ông Tám cho rằng VN cũng có thể làm được tương tự Thái Lan. Bằng chứng là sắp tới một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai sẽ xuất khẩu thịt gà sang thị trường khó tính là Nhật Bản sau khi cơ quan thú y hai nước gặp nhau giải quyết các vướng mắc về vấn đề thú y. Hơn nữa, VN đang tham gia các hiệp định thương mại tự do và đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu vào các thị trường cực kỳ lớn, giúp tăng đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông tin Bộ NN&PTNT đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi vào danh mục xuất khẩu. Chẳng hạn thịt heo và trứng gia cầm đã được đưa vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu, nhất là tại các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Úc...
“Hiện Bộ đã kết hợp cùng các ngành chức năng tăng cường tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp các DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, giúp người chăn nuôi gia tăng được lợi nhuận. Rõ ràng muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các hiệp định thú y phải đi trước một bước” - ông Tám nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần xây dựng các hiệp định thú y với nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu thịt lớn và tăng cường xúc tiến thương mại thì chắc chắn đầu ra của chăn nuôi sẽ rộng mở.
Ngoài ra để xuất khẩu thịt đảm bảo đầu ra, các công ty chăn nuôi nên liên doanh, liên kết hợp tác với các đối tác nhập khẩu, thậm chí bắt tay với các nhà bán lẻ nước ngoài để sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu của từng thị trường.
Cần hệ thống thông tin kết nối chuỗi toàn cầu Đại diện một DN chăn nuôi đang có kế hoạch xuất khẩu cho hay công ty của ông có thể đầu tư chế biến để đáp ứng các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần nhanh chóng xây dựng được một số vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Cũng theo DN này, VN cần có một hệ thống thông tin chuẩn xác để kết nối giữa nhà cung cấp với các nhà thu mua đến từ nhiều nước trên thế giới. Dần dần tạo thành một hệ thống giao thương với nhiều nhà cung cấp đến rất nhiều quốc gia, không chỉ các nước lân cận. Điều này rất cần Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT vào cuộc để người dân, DN có thể cập nhật và tiếp cận dễ dàng, hiệu quả. Song song đó Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển khâu giết mổ, cấp đông và chế biến đa dạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra nước ngoài. Cốt lõi vẫn là phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng bằng các sản phẩm sạch và an toàn. Từ đó đáp ứng mọi thị trường, đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm thịt từ nước ngoài. Đây chính là con đường sống còn của ngành chăn nuôi heo. Ông VŨ VĂN TÁM , Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |