Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt phần lớn sứ mệnh tìm kiếm người sống sót

(PLO)- Gần 2 tuần sau động đất, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chấm dứt phần lớn sứ mệnh tìm kiếm người sống sót, trừ 40 tòa nhà ở 2 tỉnh bị nặng nhất, trong khi các bác sĩ tình nguyện đã tiếp cận được Syria.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến ngày 19-2, số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên ít nhất 46.530, theo đài CNN.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 40.689 người thiệt mạng, sau khi có thêm 47 trường hợp được báo cáo vào ngày 19-2.

Hiện chưa có cập nhật mới về số người chết trong động đất ở Syria. Trước đó, nước này cho biết đã ghi nhận 5.800 người thiệt mạng, song số liệu này đã không được cập nhật trong vài ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phần lớn nỗ lực tìm người sống sót

Ngày 19-2, cơ quan quản lý thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các đội cứu hộ đã ngừng phần lớn các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người mất tích trong trận động đất ngày 6-2, theo CNN.

Hiện hoạt động cứu hộ chỉ tiếp tục tại 40 tòa nhà ở hai tỉnh Kahramanmaraş và Hatay - hai tình bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉnh trưởng Hatay - ông Lutfu Savas cho biết ít nhất 80% các tòa nhà ở tỉnh này sẽ cần được xây dựng lại sau khi bị phá hủy.

Hoạt động cứu hộ tiếp tục diễn ra tại tỉnh Kahramanmaraş - nơi bị ảnh hưởng nặng trong động đất. Ảnh: AFP

Hoạt động cứu hộ tiếp tục diễn ra tại tỉnh Kahramanmaraş - nơi bị ảnh hưởng nặng trong động đất. Ảnh: AFP

Ông Ilan Kelman - Giáo sư nghiên cứu về thảm họa và sức khỏe tại ĐH College London (Anh), nói với CNN rằng mặc dù đã có nhiều người sống sót trong nhiều ngày sau các trận động đất, nhưng đó là sự may mắn "bất thường”.

“Về cơ bản, cơ thể chúng ta có thể dẻo dai, nhưng phần lớn là do may mắn" - ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ

Trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết viện trợ thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết Washington sẽ hỗ trợ dài hạn hơn để Ankara tái thiết sau trận động đất trong tháng này, theo hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giúp quân nhân Mỹ vận chuyển hàng viện trợ tại Căn cứ Không quân Incirlik ngày 19-2. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giúp quân nhân Mỹ vận chuyển hàng viện trợ tại Căn cứ Không quân Incirlik ngày 19-2. Ảnh: REUTERS

Gần hai tuần sau trận động đất, dù các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ sắp kết thúc, ông Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục điều ông nói sẽ là "một nỗ lực hỗ trợ lâu dài".

"Khi bạn thấy mức độ thiệt hại, số tòa nhà, số căn hộ, số ngôi nhà bị phá hủy, sẽ cần một nỗ lực lớn để tái thiết, nhưng chúng tôi cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực đó" - ông nói.

Ông Blinken cũng nói rằng Tổng thống Joe Biden dự định ủy quyền 50 triệu USD cho Quỹ Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư Khẩn cấp (ERMA) để ứng phó với trận động đất. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ gửi thêm 50 triệu USD để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Nhóm Bác sĩ không biên giới tiến vào Syria

Tổ chức từ thiện Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết một đoàn gồm 14 xe tải của nhóm này đã tiến vào tây bắc Syria vào ngày 19-2 để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ sau trận động đất, theo Reuters.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh nhiều người lo ngại tình trạng xung đột nội bộ ở Syria sẽ cản trở các hoạt động giải cứu người dân ở nước này.

Trước đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã gây áp lực buộc các nhà chức trách Syria ngừng chặn các nỗ lực cứu trợ từ nước ngoài.

Ở Syria, vốn đã bị tàn phá trong hơn một thập niên nội chiến, phần lớn những người thiệt mạng sống ở khu vực tây bắc. Sự chia cắt đã khiến viện trợ nhân đạo từ bên ngoài khó đến được tay người dân.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều không cho biết có bao nhiêu người vẫn mất tích.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 26 triệu người trên cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần viện trợ nhân đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm