Cần hỗ trợ gấp để kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vực dậy sau động đất

(PLO)- Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang đà suy yếu trước khi xảy ra thảm họa đang cần hỗ trợ gấp và có hệ thống từ cộng đồng quốc tế để xây dựng lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trận động đất xảy ra vào ngày 6-2 vừa qua không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn để lại những hệ lụy lớn cả trước mắt và lâu dài với nền kinh tế nước này. Tình huống đặt ra thách thức cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đang phải đối mặt với cuộc bầu cử năm nay.

Công nghiệp - sản xuất thiệt hại nghiêm trọng

Theo tờ The Wall Street Journal, trận động đất đã phá hủy khu công nghiệp cốt lõi của Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh các TP Kahramanmaras và Gaziantep, nơi đặt các nhà máy xuất khẩu mọi thứ từ quần áo cho các thương hiệu phương Tây, đồ trang sức, xoong nồi và sắt. Thảm họa cũng tàn phá một số cơ sở hạ tầng nông nghiệp sản xuất trái cây, rau và ngũ cốc. Hiện khu vực này tràn ngập các cơ sở công nghiệp bị hư hỏng và bị phá hủy.

Bà Caroline Holt, Giám đốc phụ trách thảm họa, khí hậu và khủng hoảng của phong trào Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC), cho biết tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn công việc phục hồi sẽ được thực hiện trong vòng 2-3 năm. Nhưng ở Syria, khung thời gian có thể lên tới 5-10 năm.

Thiệt hại sau động đất ước tính lên tới 84 tỉ USD, tương đương khoảng 10% toàn bộ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022, theo một báo cáo từ Liên đoàn các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, hơn 39.600 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Thảm họa đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn kinh tế ở một đất nước vốn đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một loạt thách thức phức tạp, bao gồm cải tạo các khu vực an toàn của các TP đã bị biến thành đống đổ nát và khôi phục điện, nước và hệ thống sưởi cho nhiều khu vực. Hơn 2 triệu người mất nhà cửa trong trận động đất, khiến một phần lực lượng lao động của đất nước bị phân tán.

“Chúng ta cần giải quyết vấn đề việc làm và nơi ở càng sớm càng tốt để không mất đi những người này. Những người đã rời đi sẽ không bao giờ quay lại” - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà công nghiệp ở TP Kahramanmaraş Mikail Utlu cho biết.

Dù vậy, làm cách nào để chi trả cho các hoạt động khắc phục thiệt hại sẽ là câu hỏi lớn bởi khủng hoảng tiền tệ đã làm mất hơn một nửa giá trị đồng lira và gây ra lạm phát kỷ lục lên tới 85% hồi tháng 10 năm ngoái. Dòng tiền chảy vào từ Nga và các quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ, cùng với sự phát triển của ngành du lịch sau đại dịch, đã bù đắp phần nào cho thiếu hụt ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn không đủ để thay đổi tình thế.

Chính quyền Tổng thống Erdogan thời gian qua đã theo đuổi một chiến lược đi ngược lại với đa số quốc gia khác trên thế giới - cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát cao. Động thái này được ông khẳng định sẽ khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt là xuất khẩu, vốn đang hưởng lợi khi đồng nội tệ suy yếu. Dù vậy, các đợt cắt giảm lãi suất đó lại chính là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của đồng lira.

Hiện chính quyền nước này đã đưa ra cam kết sẽ xây lại nhà ở cho những người phải di dời do động đất trong vòng một năm. Các quan chức khẳng định chi phí tài trợ đến từ nhiều tổ chức và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã quyên góp khoảng 6 tỉ USD cho một quỹ được chỉ định cho cơ quan cứu trợ thiên tai của chính phủ và tổ chức chữ thập đỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ngân sách còn có thêm gần 1,6 tỉ USD từ Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố hỗ trợ thêm 1,78 tỉ USD vào tuần trước.

Đống đổ nát của một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16-2. Ảnh: AFP
Đống đổ nát của một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16-2. Ảnh: AFP

Ưu tiên gì để khắc phục hậu quả kinh tế?

Theo Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), ưu tiên trước mắt của cộng đồng quốc tế là cung cấp thuốc men, thực phẩm và nơi trú ẩn cho những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Cùng với đó, các nhóm chuyên gia sẽ đi khảo sát thực địa để đánh giá thiệt hại và vạch ra kế hoạch tái thiết (bao gồm tài chính, thiết kế và giám sát các dự án) cho từng địa phương. Thảm họa đã tạo ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn mà Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế không thể giải quyết được. Cơ chế viện trợ quốc tế cần cải cách mạnh mẽ để phục vụ tốt hơn cho người dân. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và UNICEF nên tham gia và giúp vận dụng các phương pháp tiếp cận khu vực để hỗ trợ người dân ở đây.

Tổ chức hỗ trợ nhân đạo vô điều kiện và trao hỗ trợ tài chính ngay lập tức lúc này là rất quan trọng để đẩy nhanh việc triển khai các hoạt động tái thiết. Ngoài ra, do sự phức tạp của các hoạt động xuyên biên giới, việc thiết lập một cơ chế phối hợp hiệu quả để đóng góp giữa các cơ quan và nhà tài trợ cũng cần được quan tâm.

Trên thực tế, vẫn có các chương trình hỗ trợ ở mức hạn chế ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ người tị nạn thảm họa. Kể từ sau trận động đất, các cơ quan như WFP đã cung cấp khẩu phần lương thực nhưng cần có thêm kinh phí và mở rộng hoạt động. Tài trợ từ cộng đồng quốc tế là cần thiết để các tổ chức này tiếp tục duy trì hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm và cung cấp tiền mặt trực tiếp và khẩu phần thực phẩm tới người dân.

Dù vậy, việc hỗ trợ quá trình tái thiết ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể sẽ phức tạp hơn do thách thức xuyên biên giới và thực tế chính trị ở Syria. Ví dụ, chính phủ Syria có thể chuyển hướng viện trợ sang các ưu tiên khác có lợi về mặt chính trị của họ thay vì nước láng giềng. Vì vậy, điều quan trọng là mỗi khoản tài trợ đều phải đi kèm sự giám sát chặt chẽ của các nhà tài trợ và một hệ thống quản lý viện trợ.

Việc cộng đồng quốc tế hành động chậm trễ có thể gây ra không chỉ kéo dài thương vong ở khu vực động đất mà còn có thể gây bất ổn cho toàn khu vực, từ đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và gia tăng số lượng người tị nạn, đồng thời làm tăng nguy cơ xung đột và sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan.•

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh giữa những người sống sót

Quan chức xử lý thảm họa động đất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Robert Holden mới đây cảnh báo có quá nhiều người được giải cứu đang phải sống trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn đến nhiên liệu và thông tin liên lạc, theo đài CNBC. Ông cảnh báo về mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không hành động ngay lập tức.

Nhiều nạn nhân trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm ở khu vực vừa bị ảnh hưởng do thảm họa. Với việc phần lớn cơ sở hạ tầng vệ sinh ở khu vực động đất bị hư hại hoặc không thể hoạt động, các cơ quan y tế Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc đảm bảo cho người dân không bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao như dịch tả, thương hàn, kiết lỵ... là rất cao do thiếu vệ sinh, vấn đề nước uống bị xâm nhập bởi nguồn nước từ hệ thống cống rãnh của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm