Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Nga hoãn một phần các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên cho Moscow trong bối cảnh Ankara đang tìm cách giảm thiểu thiệt hại kinh tế do giá năng lượng tăng cao.
Hãng tin Bloomberg ngày 4-10 dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay công ty nhập khẩu năng lượng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Boru Hatlari ile Petrol Tasima AS (Botas) đang tìm cách hoãn một số khoản thanh toán đến năm 2024.
Trụ sở công ty nhập khẩu năng lượng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Boru Hatlari ile Petrol Tasima AS (Botas) ở thủ đô Ankara. Ảnh: TRMONITOR |
Các cuộc đàm phán diễn ra sau một thỏa thuận giữa hai quốc gia cho phép Botas thanh toán 25% nghĩa vụ của mình bằng đồng rúp thay vì USD.
Hiện chưa rõ liệu các cuộc đàm phán mới nhất có dẫn đến bất kỳ thỏa thuận nào hay không. Botas và Gazprom – tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga – từ chối bình luận.
Theo một nguồn thạo tin liên quan Gazprom, Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra yêu cầu chính thức nào đối với tập đoàn này và sẽ không thảo luận về việc hoãn thanh toán cho đến khi nhận được yêu cầu.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu đã gây thêm áp lực lên tiền tệ và ngân sách của nước này. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 28% so với đồng USD vào năm 2022, tỉ lệ cao nhất ở các thị trường mới nổi sau đồng peso của Argentina, và thâm hụt thương mại của nước này đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 8 so với cùng tháng trước đó lên 11,2 tỉ USD.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với Ukraine, bao gồm việc cung cấp máy bay không người lái quân sự cho nước này, đã khiến Nga “khó chịu”. Tuy nhiên, Ankara vẫn là đối tác quan trọng của Moscow khi các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn chặn các tuyến thương mại, du lịch và đầu tư khác.
Hồi tháng trước, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã thảo luận về giá khí đốt với người đồng cấp Nga Putin và hy vọng sẽ được giảm giá.
Hungary, một trong những quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga, hôm 3-10 thông báo Gazprom sẽ cho phép nước này hoãn thanh toán khí đốt tự nhiên đến hạn trong vòng sáu tháng tới.
Các khoản thanh toán năng lượng tăng cao đã làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng nền kinh tế Hungary, khi chi phí nhập khẩu dầu và khí đốt ước tính đã tăng lên 19 tỉ USD trong năm nay từ mức 4 tỉ USD hồi năm 2019.
Ông Marton Nagy, bộ trưởng phát triển kinh tế của Hungary, nói với Bloomberg rằng thỏa thuận vừa đạt được với Gazprom đã mang lại cho đồng nội tệ Hungary một “chiếc ô bảo vệ”. Cụ thể, thỏa thuận có thể giúp ổn định đồng forint vì các khoản thanh toán phải 3 năm nữa mới đến hạn.