Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 9-2, Giám đốc ứng phó sự cố của WHO Robert Holden cảnh báo có “rất nhiều người sống sót đang phải ở ngoài trời trong điều kiện tồi tệ và khủng khiếp”, gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung nước, nhiên liệu, điện và thông tin liên lạc. “Chúng ta thực sự có nguy cơ chứng kiến một thảm họa thứ phát có thể gây hại cho nhiều người hơn so với thảm họa ban đầu” - ông Holden nói thêm.
Những người sống sót ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải đối mặt với nhiệt độ lạnh hơn bình thường. Nhiệt độ cuối tuần này tại TP Aleppo (Syria) được dự báo xuống rất thấp, từ -3 độ C đến -12 độ C, trong khi mức thấp nhất trong tháng 2 của khu vực này thường là 2,5 độ C.
Tình trạng nhiều năm xung đột và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khiến nỗ lực cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân sống sót ở Syria ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh viện trợ quốc tế đến rất chậm. Phải đến ngày 9-2, đoàn xe viện trợ đầu tiên của Liên Hợp Quốc (LHQ) mới từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Bắc Syria.
Một quan chức viện trợ hàng đầu nói với CNN trước đó rằng những nỗ lực giúp đỡ người dân ở các vùng bị động đất ở Syria là “cực kỳ khó khăn” do các lối đi dọc biên giới đã bị phá hủy và chúng lại nằm trong khu vực đang có xung đột.
Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ khả quan hơn khi hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã cung cấp các đội cứu hộ, đóng góp và viện trợ đến nước này ngay từ những ngày đầu thảm họa xảy ra.
Tính tới 8 giờ tối 10-2 (giờ Việt Nam), hơn 22.000 người đã thiệt mạng, ít nhất 80.768 người bị thương trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các nhân viên cứu hộ hiện đang chạy đua với thời gian để cứu những người sống sót ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập trong điều kiện mùa đông lạnh giá.