Thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ tạo vai trò mới của Nga ở Trung Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiết lộ một bản ghi nhớ gồm 10 điểm sau một cuộc đàm phán kéo dài về tình hình Syria hôm 22-10 ở TP Sochi, Nga. Thỏa thuận yêu cầu các tay súng người Kurd của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rút khỏi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 30 km và Ankara dừng chiến dịch tấn công người Kurd ở đông bắc Syria. Theo đó, Moscow và Damascus sẽ giám sát việc rút quân của các chiến binh người Kurd và tham gia tuần tra ở “vùng an toàn”.

Được và mất của chính quyền Damascus

Việc Mỹ rút quân khỏi vùng đông bắc Syria và thỏa thuận mới nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là chiến thắng và đồng thời là thách thức dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hãng tin AP cho hay.

Đầu tiên, khi người Kurd bị đồng minh Mỹ “bỏ rơi” và phải đối mặt với những cuộc tấn công từ Ankara, họ không còn cách nào khác là phải tìm đến sự trợ giúp của chính phủ Damascus. Điều này đã tăng uy thế của Damascus với hy vọng giành lại những vùng đất mà những tay súng người Kurd chiếm đóng, trong đó có các vùng với mỏ dầu đem lại nguồn lợi lớn cho Syria.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ bằng thỏa thuận với Nga đã ngầm công nhận chính quyền Damascus dù từng ủng hộ phiến quân chống lại ông Assad. Đây được xem là khởi đầu của sự bình thường hóa trong mối quan hệ mà cộng đồng quốc tế dành cho chế độ của ông Assad, theo bà Lina Khatib, người đứng đầu chương trình Bắc Phi và Trung Đông tại Chatham House.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngày 22-10 cũng cho phép Ankara quyền kiểm soát “vùng an toàn” trên lãnh thổ quan trọng của Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm giữ một phần lớn hơn ở biên giới phía tây bắc Syria trong các cuộc tấn công trước đây. Lực lượng cảnh sát biên phòng Syria sẽ cùng tham gia tuần tra vùng này với Moscow và Ankara nhưng với số lượng hạn chế, theo hãng tin AP.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin ở TP Sochi. Ảnh: DPA

Chiến lược của Moscow ở Trung Đông

Đồng minh của Syria là Nga cũng giành chiến thắng qua thỏa thuận vừa rồi, báo Financial Times cho hay. Theo đó, Moscow chính là bên đã tìm ra giải pháp cho người Kurd sau khi cáo buộc Mỹ “phản bội và từ bỏ”. Moscow còn làm tốt vai trò trung gian của mình để tạo ra một thỏa thuận giữa chính quyền ông Assad và YPG để giờ đây lực lượng chính phủ Damascus có thể trở lại miền bắc Syria sau hơn bảy năm. Ngoài ra, sự vắng mặt của quân đội Mỹ có thể là điều bất lợi cho một vài bên nhưng lại là điểm cộng cho Moscow: Lực lượng cảnh sát quân sự của Nga có quyền tuần tra biên giới của một đất nước là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Bashar al-Assad giành được lợi thế từ hai việc: Sự công nhận cuộc nổi dậy ở Syria là chiến tranh khu vực và lời nhắc nhở với cộng đồng quốc tế rằng không có sự thay thế khả thi nào với chính phủ của ông.

JOE MACARON, thành viên của Arab Center Washington DC (Mỹ) 

Theo tờ The Guardian, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên là cốt lõi trong chiến lược Trung Đông của Moscow. Không phân chia rạch ròi các khu vực thành đồng minh hay kẻ thù, Nga có cách tiếp cận thực tế hơn. Moscow sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác với những nước chia sẻ chung lợi ích. Trong trường hợp bất đồng quan điểm, họ sẽ chấp nhận mỗi bên làm những gì có thể để đạt những gì họ muốn và tiếp tục phối hợp trong những vấn đề khác.

Đứng ở vị trí trung gian, Moscow vừa bảo vệ chế độ Damascus, vừa giúp Israel và Iran tránh những cuộc đụng độ. Bên cạnh đó, Moscow cũng đang dần cải thiện mối quan hệ với Saudi Arabia.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là “chiến thắng lớn” mặc dù những người chỉ trích cho rằng quyết định của ông Trump rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực đã củng cố vai trò của Nga như nhà hòa giải quyền lực chính ở Trung Đông.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra thận trọng với thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Stoltenberg nói rằng một giải pháp chính trị ở đông bắc Syria sẽ được thảo luận giữa các bộ trưởng quốc phòng ở Brussels (Bỉ) ngày 24-10. Bộ Ngoại giao Iran cho biết thỏa thuận này là một bước tiến tích cực và họ ủng hộ bất kỳ động thái nào nhằm khôi phục sự ổn định trong khu vực. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm