Đó là quan điểm của ông Đặng Văn Hùng, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ, tại hội thảo góp ý Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổ chức sáng 4-3.
Theo ông Hùng, ly thân không đồng nghĩa với ly hôn mà là bước đệm, khi vợ chồng thấy không tồn tại hôn nhân nữa thì sẽ ly hôn. Trong xã hội, có thể vì yếu tố tôn giáo mà vợ chồng không được phép ly hôn thì ly thân là giải pháp tốt nhất để người phụ nữ giải quyết được nỗi bức xúc. “Ly thân giống như nơi trú gió của con thuyền gia đình gặp lúc sóng to gió lớn, để người ta suy nghĩ xem có nên ly hôn hay tiếp tục hôn nhân. Trong thực tế xét xử của tòa án, nếu HĐXX thấy vợ chồng mới ly thân vài ba tuần thì chắc chắn rất suy nghĩ khi giải quyết cho ly hôn, còn họ nói đã ly thân nhiều năm mà một trong hai bên chẳng ngó ngàng đến nhau thì tòa sẽ cho ly hôn” - ông Hùng phân tích.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng luật nên quy định về việc giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người đồng tính. Bởi quan hệ này đã xuất hiện trong xã hội, dù luật pháp không công nhận hôn nhân đồng tính thì họ vẫn sống với nhau. “Khi đã xuất hiện quan hệ này thì tất yếu sẽ nảy sinh sự kiện pháp lý xung quanh nó như tranh chấp về tài sản chung hoặc con nuôi chung của hai người. Đây là vấn đề cần được giải quyết, không thể tránh né được” - ông Hùng nhấn mạnh.
Được biết trong báo cáo tiếp thu giải trình mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất phương án bỏ quy định về việc giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người đồng tính; không bổ sung chế định ly thân trong luật.
Về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu và chỉnh sửa vào dự thảo mới nhiều nội dung như quy định cụ thể về điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ, thỏa thuận mang thai hộ phải được công chứng; người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản, không bị ràng buộc thực hiện chính sách dân số…
NHẪN NAM