Lúc 13 giờ chiều nay, 17-12, bão RAI ở ngay trên vùng biển phía đông bắc đảo Palaoan của Philippines. Cường độ bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Sau khi vào Biển Đông, cường độ bão giảm xuống cấp 13-14, giật cấp 17, đây vẫn là cấp bão rất mạnh. Đến 13 giờ ngày 18-12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo vị trí và đường đi của bão RAI. Ảnh: KTTVQG
Để chủ động ứng phó với bão RAI, chiều 17-12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo bão RAI của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, sáng 19-12, khi bão số 9 đi vào kinh tuyến 110-111,0 độ Kinh Đông, cường độ bão duy trì ở cấp 12-13, giật trên cấp 15.
Với vị trí này, bão số 9 cách đất liền từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 280 km. Với bán kính gió mạnh cấp 6 khoảng 300 km thì vùng ben biển đã bắt đầu cảm nhận được gió, mưa tăng dần.
Từ ngày 19-12, dự báo bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ từ Khánh Hòa đến Quảng Trị, cường độ suy yếu dần còn cấp 11-12, giật cấp 15. Đến sáng 20-12, khi cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150 km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135 km/giờ).
“Với sai số dự báo 72 giờ là khoảng 200-220 km, hoàn toàn có khả năng tâm bão sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên ngày 19, 20-12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta” – báo cáo cho biết.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp ứng phó với bão RAI chiều 17-12. Ảnh: VGP
Về tác động của bão số 9, báo cáo đưa ra các kịch bản.
Kịch bản tác động 1: Bão di chuyển theo dự báo hiện tại (xác xuất 80%). Trong trường hợp này cần lưu ý có khả năng bão đi sâu hơn, vượt qua kinh tuyến 110 và đi vào trong kinh tuyến 109 và có thể đi dọc ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Các huyện ven biển ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng có thể chịu tác động trực tiếp của bão số 9. Sau khi tiến sát đất liền miền Trung bão sẽ đổi hướng đi lên phía Bắc.
Kịch bản thứ 2 (gây rủi ro lớn nhất): Bão vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi (xác suất 20%). Đối với kịch bản này khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7 m, nước dâng do bão từ 1 m; lượng mưa phổ biến từ 200-250 mm, gió trên biển không khác so với kịch bản 1.
Báo cáo lưu ý, hiện tại bão RAI chưa vào biển Đông vì thế khả năng đi sát kinh tuyến 110 và đi lên phía bắc cũng chỉ là một khả năng, thậm chí bão đổ bộ trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi rồi sau đó mới đi lên phía Bắc cũng là một khả năng.
Vì vậy các địa phương miền Trung ngoài phương án ứng phó với gió mạnh trên biển, còn cần xây dựng kịch bản ứng phó với khả năng cơn bão mạnh này ảnh hưởng đến đất liền.