Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay, 2-8, vị trí tâm bão số 3 cách Móng Cái khoảng 100km, cách Hải Phòng khoảng 230km, cách Nam Định khoảng 320km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo, khoảng tối và đêm, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11.
Chùm ảnh về vị trí và đường đi của bão số 3 chiều 02-8. Ảnh: NCHMF
Đến 1 giờ sáng 3-8, vị trí tâm bão trên bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4,0-4,5m.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ chiều nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ chiều tối nay có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10. Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội, gió giật mạnh cấp 6-7, mưa to đến rất to.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, nhiều địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã triển khai công tác phòng, chống.
Tại Hà Nội, công tác kiểm tra đê điều, kè cống, kênh mương, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn nhanh chóng được triển khai, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến của mưa bão.
Công ty thoát nước Hà Nội cũng huy động 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên, hàng trăm thiết bị cơ giới đảm bảo sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí dễ úng ngập. Hiện, trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Cổ Nhuế… vẫn đang tiếp tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống theo quy định.
Lực lượng Bộ đội biên phòng đưa ngư dân vào bờ tránh, trú bão an toàn tại Hải Phòng. Ảnh: BÁO HẢI PHÒNG
Còn tại Hải Phòng, từ 12 giờ trưa nay, cảng Hải Phòng đã dừng các hoạt động sản xuất tại các cầu tàu. Đồng thời, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I cũng điều động tàu SAR 411, SAR 273 ứng trực tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão.
Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã thành lập 5 đoàn công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, xuống các địa phương để chỉ đạo việc triển khai ứng phó với bão. Có 14/14 địa phương trên toàn tỉnh đã sẵn sàng các phương án.
Tại tỉnh Nam Định, trên 2.100 tàu thuyền với 6.000 lao động, khu ven biển có trên 1.000 lều, chòi nuôi đã được di dời về nơi an toàn. Tỉnh cũng huy động 17 tổ công tác, 86 cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống địa bàn trọng yếu để hướng dẫn giúp ngư dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng di dời người dân khi có lệnh, và phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 2-8.
Tàu thuyền của ngư dân Thái Bình được di dời vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: BÁO THÁI BÌNH
Còn tại tỉnh Thái Bình, hiện tỉnh đã có phương án chủ động di dời 8.476 hộ dân sinh sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sập; giữ thông tin liên lạc với các tàu, thuyền đang hoạt động ở nơi có ảnh hưởng của bão…
Trong cuộc họp phòng chống bão số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai diễn ra sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã nhấn mạnh phải đặc biệt lưu ý đến bài học lũ quét khi thủy điện xả lũ, và đề nghị trong đợt mưa bão này, Bộ Công thương rà soát kỹ, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ thủy điện nhỏ khi dự báo sẽ có mưa lớn trong những ngày tới.
“Trong đợt mưa này, thủy điện nào để xảy ra lũ chồng lũ, chúng tôi sẽ có báo cáo Thủ tướng; và lãnh đạo các thủy điện phải chịu trước nhiệm trước pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.