Bình quân nhà ở khoảng 18,6 m2/người: Con số chưa đầy đủ

Theo kết quả tổng điều tra nhà ở toàn quốc của Bộ Xây dựng, tổng diện tích nhà ở toàn quốc hiện đạt khoảng 1.596.000 m2 với diện tích bình quân đạt khoảng 18,6 m2/người. Mục tiêu trong năm 2010 của Bộ là nâng diện tích nhà ở bình quân lên 19 m2/người.

Mới vừa nghe con số 18,6 m2/người quả thật lý tưởng nhưng tìm hiểu kỹ thì thấy con số này nếu thử áp dụng cho một đô thị, chẳng hạn TP.HCM thì rõ ràng là chưa phản ánh đầy đủ.

Nhiều hộ gia đình chưa tới 5 m2/người

Trên đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh có rất nhiều căn nhà cấp bốn có diện tích 30-60 m2. Có gia đình có tới hai, ba thế hệ sống chung. Bà Nguyễn Thị Hai (ngụ 169/33B/1 Ngô Tất Tố) cho biết gia đình bà sống ở đây hơn 30 năm, từ ban đầu có hai vợ chồng, nay có thêm con cháu tổng cộng đến hơn chục người nhưng vẫn chỉ sống trong vỏn vẹn 40 m2.

Bình quân nhà ở khoảng 18,6 m2/người: Con số chưa đầy đủ ảnh 1

Căn nhà rộng 8 m2 của bà Nguyễn Thị Giáo (205/50 đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4) gồm 12 người trú ngụ. Ảnh: VIỄN SỰ

Tại quận 4, các tuyến đường Tôn Đản (phường 14), Đoàn Văn Bơ, Vĩnh Khánh (phường 13) và Nguyễn Tất Thành (phường 12) đều có hơn 50% căn nhà có diện tích chỉ 10-40 m2. Mỗi gia đình ở đây ít nhất là ba người, còn nhiều nhất lên đến hơn chục người.

Nằm sâu trong khu phố 5 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh là khu nhà trọ xập xệ, ẩm thấp, đa phần người trọ là công nhân hoặc sinh viên. Hằng ngày, bốn người trong gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (quê Bình Định) vẫn “chui ra, chui vào” trong căn phòng rộng khoảng 10 m2. Hoặc ở khu phố 1, phường Phú Mỹ, quận 7, có một căn phòng trọ rộng 80 m2 là nơi trú ngụ của gần… 30 công nhân. Anh Huỳnh Văn Mỹ nói: “Lương thấp, giá nhà trọ lại cao nên anh em rủ nhau ở chung cho đỡ tốn kém. Phòng này hay bị ngập nước, mưa dột nhưng nếu phản ánh sẽ bị chủ nhà đòi tăng tiền trọ ngay”.

Công chức, viên chức cũng gặp khó

Không chỉ sinh viên và công nhân nhập cư phải sống đời ở trọ, ngay cả nhiều đối tượng có thu nhập ổn định như công chức, viên chức, giảng viên các trường đại học… cũng đang bí về chỗ ở.

Thầy Trà Văn T., giảng viên khoa Kinh tế Trường ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: Hơn năm năm đi dạy cả chính khóa lẫn dạy thêm tại các trung tâm nhưng vẫn chưa đủ tiền mua nổi một căn hộ chung cư giá thấp. Tương tự, thầy Nguyễn Duy T., giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cũng chỉ biết lắc đầu cười trừ khi nghe nói đến việc mua nhà dù thầy đã đi dạy hơn chục năm. Hiện nay thầy Duy T. vẫn đang sống tạm trong căn nhà 30 m2 của người chị cùng với năm người nữa. Thầy Duy T. cho biết khá nhiều giáo viên trong trường hiện cũng chưa có nhà ở.

Mặc dù thu nhập của cả hai vợ chồng hơn 10 triệu đồng một tháng nhưng để mua được một căn nhà cấp bốn có diện tích chưa đến 40 m2, chị HT, nhân viên Công ty Chứng khoán ACB, phải vay mượn bạn bè và người thân khá nhiều.“Trước đây, hằng tháng tôi phải tốn cả triệu đồng tiền thuê nhà nhưng cứ vài ba tháng lại phải dọn đi vì nhiều lý do. Được bạn bè khuyến khích, tôi đánh liều vay tiền mua đại căn nhà này để an cư rồi từ từ tính. Tuy nhiên, tôi cũng lo chưa biết khi nào mới trả dứt nợ” - chị HT chia sẻ.

Cần thêm các con số khác

Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, con số 18,6 m2 này được tính bằng cách cào bằng số m2 nhà ở của người giàu cũng như người nghèo của 63 tỉnh, thành. Con số này hoàn toàn không sai, bởi đã gọi là thống kê bình quân thì cách cào bằng, cộng lại chia đều như thế vẫn thường được áp dụng.

Tuy nhiên, điều cần nói rõ là nếu chỉ là con số để thống kê thì việc trung bình cộng có thể chấp nhận nhưng nếu ta chọn đó là kết quả để hành động thì không ổn bởi nó hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế. Trong cùng một TP, giữa người giàu và người nghèo, giữa nội ô và ngoại thành thì điều kiện sống đã khác, thậm chí khác xa nhau. Vậy con số “mỗi người hiện đang được 18,6 m2 nhà ở” liệu có ý nghĩa gì, dành cho ai và để làm gì?

KTS Nguyễn Hữu Thái cho rằng bên cạnh con số này cần các con số khác quan trọng hơn: Phải phân biệt đô thị và nông thôn, trong đô thị thì có ngoại ô, nội ô, người giàu, người nghèo, mức thu nhập… Trên cơ sở này nhà nước mới có thể có những chương trình, chính sách nâng cao đời sống người dân để nhà ở không còn là câu chuyện gay gắt, ám ảnh của đô thị như hiện nay nữa.

Không dám mơ đến 19 m2/người

“Việc đạt được chuẩn 19 m2/người là điều không thể đối với đồng lương giảng viên đại học như bản thân tôi. Tôi phải đi dạy thêm đủ chỗ, rồi vay mượn thêm đồng nghiệp, họ hàng khá nhiều mới mua được căn nhà cấp bốn khoảng 60 m2. Mua nhà đã hơn bốn năm nhưng tôi vẫn còn mắc nợ hơn 100 triệu đồng.”

Thầy Nguyễn Anh Quốc, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM

Nhà giá thấp cũng với không tới

“Tôi nghe nói khi mua nhà giá thấp sẽ phải trả trước 20%, số còn lại trả góp trong 10 năm. Với tổng thu nhập 5 triệu đồng/tháng, vợ chồng tôi phải lo cho con cái học hành, không dư được xu nào thì lấy đâu ra vài chục triệu đồng để nộp trước. Vì thế, dù là nhà giá thấp chúng tôi cũng chẳng dám mơ.”

Anh Lương Minh Luân, công nhân Khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7, TP.HCM

LINH GIANG - CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm