Đây là thực tế được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nêu ra tại phiên thảo luận tổ của QH về dự án luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) diễn ra sáng 31-10.
Bà Tâm cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật này là điều cần thiết để đưa việc quản lý, sử dụng tài sản công công khai, minh bạch, phân bổ tài sản công rõ ràng, tránh tình trạng lãng phí hạ tầng, tham nhũng tài sản công.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại thảo luận tổ QH sáng 31-10. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá dự thảo luật vẫn chưa nêu rõ quyền giám sát của người dân về tài sản công, việc thể hiện điều này trong dự thảo rất mờ nhạt. Bởi việc giám sát của người dân có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng liên quan tài sản công.
“Tôi đề nghị thêm quy định giám sát của người dân và cơ quan truyền thông trong vấn đề tài sản công. Vai trò của báo chí và phát hiện của người dân rất lớn. Lâu nay nhiều vụ việc làm thất thoát tài sản nhà nước, hay tham nhũng đều do báo chí phát hiện, trong khi nội bộ cơ quan đơn vị lại không phát hiện ra.
Liệu rằng vai trò dân chủ trong nội bộ ra sao? Chi bộ, cơ quan biết sao không nêu tên được. Giám sát nhưng trên cơ sở nào, chế tài ra sao khi có kết quả giám sát đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức. Chúng ta sửa luật cần tạo ra quyền uy của pháp luật chứ không phải nói cho có” - bà Tâm nói.
Bên cạnh đó, một thực tế được Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu ra là tình trạng lãng phí trụ sở công. Trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều cơ quan đại diện phía Nam của các bộ, ngành nhưng sử dụng không hiệu quả.
Trước đây, Chính phủ đã từng có ý tưởng xây dựng tòa nhà tập trung cho các cơ quan đại diện phía Nam nhưng không thực hiện được, các bộ, ngành không đồng ý bởi ai cũng muốn có trụ sở riêng. Thậm chí có những trụ sở bỏ trống nhưng khi TP đề nghị thu hồi để xây dựng bệnh viện, trường học lại không nhận được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.
Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết trong tài sản công, đất đai chiếm phần lớn nhưng việc quản lý hạng mục này rất bất cập. Thay vì các cơ quan nên điều chuyển, sắp xếp lại trụ sở nhưng lại muốn xây mới; điều này khiến người dân rất bức xúc.
“Tôi nhớ có trường mẫu giáo ở quận 5 xuống cấp trầm trọng, trong khi đó có những trụ sở của bộ, ngành đóng tại TP.HCM lại bỏ trống. Nhiều lúc địa phương đề xuất điều chuyển, thu hồi đất để xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh nhưng các bộ, ngành gây khó khăn, rồi phải thông qua Bộ Tài chính,…” - vị này nêu thực tế.
Do đó, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất nên giao lại cho lãnh đạo địa phương thẩm quyền điều chuyển tài sản công nhiều hơn. Bởi họ là những người hiểu địa bàn nên sẽ thuận tiện theo dõi, giám sát việc quản lý sử dụng tài sản công cũng như đưa tài sản công sử dụng đúng mục đích, hợp lý.