Bộ trưởng bộ Tài chính: Chính phủ muốn tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM

“Tỉ lệ điều tiết 21% dù chưa đáp ứng như đề nghị là 23% nhưng trong bối cảnh tác động rất lớn của COVID-19, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung và ngân sách trung ương (NSTƯ) nói riêng rất khó khăn. TP.HCM cần chia sẻ khó khăn chung của cả nước” - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Tăng tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong giai đoạn ổn định ngân sách tới đây, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM như thế nào?

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội đã quyết định, năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách. Điều đó có nghĩa là dự toán ngân sách năm 2022, Quốc hội sẽ quyết định tỉ lệ điều tiết và số bổ sung từ NSTƯ cho ngân sách của từng địa phương, trong đó có TP.HCM để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2021 và 2022 có biến động bất thường do tác động của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến cân đối thu chi NSNN. Vì vậy, trong báo cáo dự toán NSNN và phân bổ NSTƯ năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội là xác định tỉ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương áp dụng riêng cho năm 2022 và sẽ xác định lại tỉ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối trong giai đoạn 2023-2025 sau khi tình hình đi vào ổn định.

Thực hiện quy định của Luật NSNN, dự toán thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM năm 2022 được xây dựng trên cơ sở pháp luật thuế, phí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, dự toán chi ngân sách TP năm 2022 tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ tại Nghị quyết 973/2020 và Nghị quyết 01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỉ lệ điều tiết của TP.HCM là 19%.

Căn cứ khả năng cân đối NSTƯ năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung 4.919 tỉ đồng (chi đầu tư phát triển là 4.783 tỉ đồng, chi thường xuyên là 136 tỉ đồng), theo đó tỉ lệ điều tiết của TP năm 2022 là 21%, tăng 3% so giai đoạn trước (18%).

. Giai đoạn ổn định ngân sách vừa qua, tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM được Quốc hội rút xuống còn 18%. Theo Bộ trưởng, điều này ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển, chủ động ngân sách trong việc thu hút nguồn lực của TP.HCM?

+ Tỉ lệ điều tiết của ngân sách TP.HCM giai đoạn 2011-2016 tính theo định mức phân bổ là 20%; để tỉ lệ điều tiết không giảm lớn, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung 2.859 tỉ đồng để tỉ lệ điều tiết là 23%.

Giai đoạn 2017-2021, tính theo định mức phân bổ là 17%, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung 1.823 tỉ đồng để tỉ lệ điều tiết là 18%.

Chúng tôi rất chia sẻ với TP.HCM. Việc tỉ lệ điều tiết giảm trong các giai đoạn ổn định ngân sách vừa qua là theo đúng quy định của Luật NSNN nhưng vẫn đảm bảo mức ngân sách của TP.HCM giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, không để ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của địa phương.

Bên cạnh đó, khi xây dựng cơ chế cũng như trong cân đối NSNN, chúng tôi đều hướng tới tạo các chính sách đặc thù thêm cho TP.HCM để có điều kiện phát triển và chủ động.

Ví dụ như Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017 trong đó có nhiều cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách; ủng hộ TP trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc; ủng hộ và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng khu công nghệ cao, có những cơ chế đặc thù để thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới vào đầu tư và kinh doanh tại đây...

Dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2022 sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần này. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một Công ty may mặc ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

. Theo Bộ trưởng, tỉ lệ 18% để lại nhưng bài học gì cho việc dự toán ngân sách đối với các địa phương có điều kiện tương đồng như TP.HCM, rộng ra là đối với 16 địa phương có điều tiết về trung ương?

+ Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội quyết định về ngân sách và NSTƯ giữ vai trò chủ đạo. Luật NSNN quy định việc điều tiết về NSTƯ sau một thời kỳ ổn định thì phải tăng tỉ lệ nộp về trung ương. Và ngược lại các địa phương nhận ngân sách từ trung ương sau một thời kỳ ổn định thì giảm tỉ lệ nhận về.

Đó là nguyên tắc chung để NSTƯ giữ vai trò chủ đạo, đồng thời tạo sự chủ động cho ngân sách địa phương, qua đó đánh giá mức độ phân đấu và phát triển của các địa phương, tạo động lực để địa phương chủ động thu hút đầu tư, giải phóng nguồn lực, tạo động lực để sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đất nước ta có 63 tỉnh, thành với diện tích, dân số, đặc điểm địa lý, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội... rất khác nhau; nhất là sự khác biệt về tiềm năng phát triển và quy mô kinh tế. Điều này kéo theo đó là khả năng thu NSNN rất khác nhau.

Cụ thể là thu NSNN trên địa bàn của riêng TP Hà Nội và TP.HCM đã chiếm gần 50% tổng số thu cả nước. Nếu tính chung cả 16 địa phương trọng điểm thu thì số thu chiếm tới khoảng 80% tổng số thu ngân sách của cả nước.

Trong khi đó, chúng ta lại có những địa phương là địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo... thu NSNN cả năm chưa bằng số thu bình quân một ngày của TP.HCM. Do đó, NSNN phải cân đối, hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế nữa là trong khi khuyến khích phát triển đầu tư, tạo cơ chế cho các trọng điểm kinh tế thì phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn, không để khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền quá lớn.

Hiện chúng ta phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, an sinh, công bằng xã hội. Để thực hiện điều này thì phải có cơ chế phân phối lại nguồn lực NSNN hợp lý, tính lại tỉ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách.

Chúng tôi nói như vậy để chia sẻ với TP.HCM và địa phương khác có kinh tế phát triển chia sẻ chung với trung ương và với 47 địa phương.

“Tôi mong rằng trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ cân nhắc đến một tỉ lệ điều tiết ngân sách ổn định cho TP trong một giai đoạn, chẳng hạn 15 năm. Như vậy, TP sẽ an tâm xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển để đóng góp nhiều hơn cho trung ương, cho đất nước. Bởi mỗi 1% tăng trưởng của TP.HCM đóng góp tỉ lệ lớn vào điểm phần trăm tăng trưởng của đất nước”.

NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM

Sử dụng ngân sách tập trung vào ba lĩnh vực

. Vậy theo Bộ trưởng, TP.HCM tận dụng việc tăng tỉ lệ điều tiết năm 2022 và giai đoạn tới như thế nào? TP nên tập trung vào những lĩnh vực nào để đầu tư dẫn dắt sự phát triển?

+ Như chúng tôi đã nói ở trên, Chính phủ đã trình Quốc hội tỉ lệ điều tiết của TP.HCM năm 2022 là 21%, tăng 3% so với giai đoạn trước và sẽ xác định lại tỉ lệ điều tiết giai đoạn 2023-2025 sau khi tình hình đi vào ổn định. Hiện nay, Quốc hội đã, đang thảo luận và quyết định trong tuần này.

TP.HCM là trung tâm kinh tế, là đầu tàu kinh tế của cả nước, Đảng, Nhà nước đã có cơ chế đặc thù nhằm chủ động, sáng tạo, khai thác tiềm năng để phát triển. Theo tôi, tập trung đột phá vào ba lĩnh vực nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, cải thiện và hoàn thiện thể chế, sử dụng ngân sách vào những lĩnh vực, dự án để tạo đột phá phát triển. Lấy đầu tư công lôi kéo, thu hút đầu tư tư.

Chúng tôi tin là TP.HCM sẽ chủ động, sáng tạo trong việc phân bổ và sử dụng ngân sách có hiệu quả cao nhất.

. Đã có thời kỳ TP.HCM được hưởng tỉ lệ điều tiết tới 33%. Theo Bộ trưởng, đến khi nào thì TP.HCM được hưởng lại tỉ lệ điều tiết ấy?

+ Thời kỳ 2000-2003, tỉ lệ điều tiết của TP.HCM là 33% được tính toán theo quy định Luật NSNN năm 1996 và Luật NSNN sửa đổi, bổ sung năm 1998. Phạm vi các khoản thu phân chia giữa NSTƯ và ngân sách TP không có khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa, dịch vụ trong nước (khoản thu này NSTƯ hưởng 100%).

Theo quy định của Luật NSNN hiện hành, đây là khoản phân chia giữa NSTƯ và ngân sách địa phương. Qua gần 20 năm quy mô thu ngân sách TP đã tăng lên nhiều lần. Do vậy việc so sánh tỉ lệ điều tiết hiện nay với giai đoạn 2000-2023 là không đồng nhất về phạm vi.

Mặt khác, chúng tôi cho rằng việc xác định tỉ lệ điều tiết và số bổ sung từ NSTƯ cho ngân sách địa phương, trong đó có TP.HCM trong các thời kỳ tiếp theo, phải tuân thủ các quy định của Luật NSNN, pháp luật liên quan, khả năng cân đối của NSTƯ và đảm bảo nguồn lực cho TP thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

. Những tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về trung ương trong tương lai có được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách trở lại hay không? Và nếu được như vậy thì trách nhiệm của họ đối với các vùng phát triển, với quốc gia sẽ được đặt ra như thế nào?

+ Phân cấp quản lý NSNN, tỉ lệ điều tiết và số bổ sung theo Luật NSNN, đảm bảo nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, mạnh và toàn diện với kinh tế phát triển, quốc phòng, an ninh, đời sống người dân được nâng cao. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tài chính đang tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về đề án “Đối với cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTƯ và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan”. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật NSNN hiện hành.

Việc hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính sẽ tạo điều kiện để các địa phương chủ động khai thác nguồn lực, tiềm năng, tăng thu ngân sách, đồng thời có ngân sách để chi đầu tư phát triển ngày càng tăng, thu hút đầu tư tư nhân ngày càng mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Vì vậy, vấn đề cơ bản không phải là mức hưởng tỉ lệ điều tiết bao nhiêu mà là ngân sách để chi trong năm tài khóa ngày càng cao, đảm bảo nhiệm vụ chi của địa phương ngày càng đáp ứng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.


Tăng tỉ lệ là đúng định hướng và nghị quyết của Đảng

Liên quan về tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội TP.HCM khẳng định đây là tín hiệu mừng, thể hiện sự san sẻ, quan tâm của trung ương.

+ ĐB Đỗ Đức Hiển nhận thấy việc tăng tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM vào thời điểm vừa trải qua một thời gian dài phòng chống dịch COVID-19 là hết sức có ý nghĩa, tạo thêm nguồn lực để TP sớm vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là một quyết sách đúng đắn, kịp thời trong tổng thể các chính sách mà Đảng, Nhà nước đã xác định để xây dựng, phát triển TP.

+ ĐB Trương Trọng Nghĩa khẳng định: “Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là phù hợp với các nghị quyết của Đảng”. Theo ông Nghĩa, Bộ Chính trị đã giao cho TP vai trò đầu tàu kinh tế và động lực tăng trưởng. Chưa kể, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng đều chỉ rõ là phân bổ nguồn lực quốc gia, trong đó có chuyện phân bổ ngân sách, là phải hợp lý, bảo đảm hiệu quả và giúp cho các địa phương phát huy thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, thời gian qua, sự phân bổ ngân sách lại không tương xứng nên TP không có đủ điều kiện cần thiết để làm tròn vai trò, trọng trách được giao. Nếu tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì TP sẽ làm được vai trò là đầu tàu, động lực tăng trưởng, tạo được sự tác động lan tỏa, lôi kéo mạnh mẽ trong cả nước và khu vực

+ Tương tự, ĐB Trần Hoàng Ngân nhìn nhận với một TP là đô thị đặc biệt, năng suất lao động cùng hiệu quả tài chính cao, đặc biệt là hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách được tăng lên, TP sẽ có nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, nhất là giao thông, xã hội, vấn đề nhà ở, chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà trên kênh rạch và cả việc xây dựng nhà ở, khu lưu trú cho công nhân, người lao động, nâng cao được hệ thống y tế, hệ thống giáo dục... LÊ THOA

Phân bổ hiệu quả để đạt công bằng

Phân bổ ngân sách trung ương hiện nay cần phải đặt ra một câu hỏi: Chúng ta sẽ cùng giàu lên hay cùng nghèo đi? Khi một địa phương như TP.HCM được điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì với phương pháp cân đối ngân sách như hiện nay, một vài địa phương khác sẽ được điều chỉnh giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách.

Chúng ta nói ngân sách trung ương là chủ đạo nhưng có lẽ cần hiểu sâu sắc hơn rằng: Tính chủ đạo của ngân sách trung ương phải là động lực để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn lực ở các địa phương. Khi nguồn lực được sử dụng hiệu quả thì các địa phương đều có cơ hội và cơ sở để vươn lên giàu có chứ không còn phân biệt tỉnh nghèo hay tỉnh giàu, tỉnh có điều tiết ngân sách hay không có điều tiết ngân sách.

Để làm được điều đó thì lại phải tính đến “hiệu quả” của phân bổ và sử dụng nguồn lực. Tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách và các nguồn lực phải được đặt lên hàng đầu để đất nước có nguồn lực lớn hơn thực hiện tốt công bằng. Khi thiết kế chính sách như vậy, chẳng những chúng ta đạt được công bằng, mà còn đạt được hiệu quả không chỉ trong phân bổ ngân sách.

Những quan điểm, triết lý, định hướng này cần phải được đặt ra để có các giải pháp đúng cho những giai đoạn ổn định ngân sách trong tương lai.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm