Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Lũ miền Trung không phải do thuỷ điện

Diễn biến phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5-11, sau phần đăng đàn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh - quản lý nhà nước về phát triển thủy điện, thì đến lượt Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Từng chia sẻ với báo chí là ngành tài nguyên môi trường không ủng hộ lắm việc phát triển thủy điện nhỏ, nhưng trước Quốc hội, ông Hà khẳng định đợt lũ, lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung vừa qua không thể đổ lỗi cho thủy điện.
"Tôi xin cung cấp thêm các thông tin mang tính khoa học, khách quan về đợt mưa lũ lịch xử tại miền Trung thời gian qua", ông Hà mở đầu phần báo cáo, giải trình của mình trước vấn đề mà dư luận cả nước cũng như nhiều ĐBQH quan tâm.
Dẫn báo cáo rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, ông Hà cho biết diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan và Việt Nam là 1/16 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là một phần tạo nên "tổ hợp nguyên nhân", dẫn tới các đợt lũ lụt, trượt lở đất xảy ra liên tiếp tại miền Trung vừa qua.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Lũ miền Trung không phải do thuỷ điện ảnh 1
ĐBQH Trần Hồng Hà

“Chỉ trong thời gian ngắn, miền Trung đón 4 cơn bão, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Cùng với đó, lượng mưa đã vượt qua mọi chỉ số đo lịch sử, trong đó có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa hơn 500 mm. Có những nơi lượng mưa đo được trong cả đợt lên đến 2000-4000 mm. Có thể nói đây là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa. Lịch sử cũng chưa từng có số liệu tương tự để tính toán” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về các điểm xảy ra lở đất, ông cho biết đều nằm ở độ cao 300 - 900 m, không liên quan đến thuỷ điện, do đó “không nên suy đoán mà cần dựa vào dữ liệu khoa học”.
Dữ liệu khoa học ấy, theo các nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học Bộ TN&MT, toàn bộ các khu vực trượt lở nằm trong đới đứt gãy địa chất, có độ dốc, nền phong hoá dày… Ở điều kiện địa chất này, chỉ cần lượng mưa trên 100 mm thì đều có nguy cơ sạt lở. Còn mưa đến 500 mm thì làm tăng thêm trọng lượng, kéo sạt trượt mạnh mẽ.
Phủ xanh rừng, cây trồng lâu năm là lĩnh vực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Nhưng qua quan trắc vệ tinh thì tư lệnh tài nguyên và môi trường cho biết cũng đạt mức độ “phủ xanh toàn bộ”, chứ không phải đất trống đồi núi trọc.
“Không phải là lỗi các thủy điện nhỏ. Lỗi là chính chúng ta chưa phân tích, tính toán thiết kế được các công trình hài hòa với tự nhiên. Nếu làm được thì vẫn khai thác được nguồn điện năng trong khi không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên” - ông Hà nói.
Chia sẻ góc nhìn của ngành môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã chọn và đang đi đến con đường phát triển bền vững. Đó là phát triển nhưng không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Là xử lý vấn đề ô nhiễm, rác thải, an ninh nguồn nước. Là thay đổi tư duy từ khai phá chế ngự tự nhiên sang sống hài hòa với tự nhiên…
Đây cũng là tinh thần, là mục đích của dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, mà Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chính phủ chủ trì soạn thảo, dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 11-11 tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm