Tranh luận kịch liệt với Bộ trưởng Công Thương về thủy điện
Sáng 5-11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã tranh luận về vấn đề thuỷ điện được các ĐB Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 4-11.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.
Trong đó ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng thuỷ điện có tính hai mặt và đến nay chưa có thước đo nào để "khẳng định rằng, thủy điện mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời” như Bộ trưởng Công Thương nói.
Còn ĐB Dương Trung Quốc thì đặt vấn đề nếu không có biện pháp giải quyết thuỷ điện nhỏ khi hết vòng đời sử dụng, thì các hồ đập này không khác gì các "quả bom nổ chậm"
Về ý kiến ĐB Nhưỡng, Bộ trưởng Công Thương khẳng định “chúng ta đang có quy trình pháp lý quan trọng, bài bản” để đảm hiệu quả của các dự án thuỷ điện.
“Cụ thể, căn cứ theo Luật Đầu tư, chúng ta có báo cáo về kinh tế kỹ thuật, cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không? Mức độ tác động tiêu cực thế nào?” - Bộ trưởng Công Thương nói.
“Tôi nhấn mạnh báo cáo ĐTM dự án rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua, để bảo đảm rằng quy định của pháp luật, nhất là liên quan đến môi trường được đảm bảo. Vì vậy, các báo cáo ĐTM đều phải đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để biết được có đảm báo hay không” - Bộ trưởng Tuấn Anh nói thêm.
Về ý kiến thuỷ điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Công Thương khẳng định theo Thông tư 43 của Bộ Công Thương hướng dẫn xem xét các dự án thuỷ điện bổ sung quy hoạch đã chỉ rõ thuỷ điện sử dụng đất rừng tự nhiên, hoặc có quy mô sử dụng đất vượt quá 10 ha/1MW thì không được xem xét, hoặc đất rừng tự nhiên thì cũng không được xem xét.
Bên cạnh đó khi làm quy trình bổ sung thuỷ điện vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của nhiều bộ ngành, cơ quan liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Trước ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc về xử lý thuỷ điện nhỏ hết vòng đời dự án, Bộ trưởng Công Thương cho hay khi các dự án thuỷ điện hết vòng đời sử dụng phải thực hiện các yêu cầu của luật định, trong đó có việc đánh giá chất lượng của các hồ đập, các hướng dẫn sử dụng, hoặc tháo dỡ.
Trong đó yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, phải có phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương).
Ngay sau phần phát biểu của Bộ trưởng Công Thương, hàng loạt ĐBQH đã đứng lên tranh luận về vấn đề thuỷ điện.
“Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến giờ thì tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá” - ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói và cho rằng bộ trưởng nói chưa ổn.
“Tôi thấy có một nhận xét thế này, ở đâu có nhà máy thuỷ điện thì ở đấy gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt” - ông Hồng nêu quan điểm.
Theo ĐB Hồng, các cụ ngày xưa còn nói tức nước thì vỡ bờ, chúng ta làm nhiều đập thuỷ điện thì nó không vỡ chỗ đập thuỷ điện nhưng nó sẽ vỡ chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát, thoát thì tạo ra trái quy luật tự nhiên tạo ra những hậu quả.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà).
Ngay lập tức, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) tranh luận lại: “Tôi thấy ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói thuỷ điện có hai mặt, đúng là như vậy. Tuy nhiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng các quy trình chúng ta đã làm đúng, như vậy chúng ta phải ủng hộ điều đó. Còn mặt tiêu cực thì Bộ Công Thương hiện nay đang kiểm soát tương đối chặt chẽ và đặc biệt nhiệm kỳ này chúng ta kiểm soát chặt chẽ thì chúng ta phải ủng hộ điều đó”.
Ông Thịnh cũng đồng tình với ý kiến nhận định “dự án thuỷ điện như quả bom nổ chậm” của ĐB Dương Trung Quốc nêu vào chiều 4-11.
“Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, vấn đề đặt ra là có đúng như vậy không, nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo, phải tháo ngòi nổ đó. Tôi nghĩ cũng không đến mức quả bom nổ chậm, nếu đúng quả bom nổ chậm thì nguy hiểm quá. Đề nghị Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ điều đó” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh khẳng định thêm hiện nay Bộ Công Thương đang kiểm soát chặt chẽ thuỷ điện nên cần phải ủng hộ vì không có cái gì không có hai mặt và nếu đã “thức được những tiêu cực, hạn chế thì chúng ta có giải pháp hiệu quả”
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai).
Trước ý kiến này, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói: “ Ở đây, chúng tôi cảnh báo đây là câu chuyện 40 - 50 năm nữa chứ không phải là câu chuyện của ngày hôm nay, nếu chúng ta không nhìn nhận trước thì sẽ để lại di hoạ cho con cháu phải giải quyết”.
Ông Quốc cho biết qua trao đổi với Bộ trưởng TN&MT thì ông thấy có một giải pháp hợp lý để tháo gỡ các “quả bom nổ chậm này”. Tức là ngay từ đầu, khi tham gia làm thuỷ điện (PV) thì phải đóng một khoản tiền như một phí môi trường để sau này xử lý nó khi dừng khai thác.
“Còn cách Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là đến lúc nào xong thì phải xử lý. Tôi xin nói ngay câu chuyện tối thiểu thôi, khi lấy đất của dân, di dời dân có khi còn chưa bồi thường cho họ, đừng nói đến chuyện mấy chục năm sau, ai là người giải quyết, bỏ tiền ra.
Việc này chúng ta phải nhìn trước, phải có cách để nhà nước nắm đằng chuôi, còn doanh nghiệp họ có thể tìm mọi cách thoái thác, bỏ đi, ai làm gì được” - ĐB Quốc nói.