Bốn nguyên nhân gây lún, trồi mặt cầu vượt Thủ Đức

Đó là: Mật độ xe quá lớn (hơn 11.500 xe/ngày đêm/làn trong khi lưu lượng thiết kế là 8.300 xe/ngày đêm); tải trọng nhiều xe tải, container quá lớn (trung bình 80-100 tấn/xe, trong khi tổng tải trọng thông thường tối đa là 45 tấn/xe); xe tải chỉ chạy tập trung trên một làn nên bánh xe tạo áp lực liên tục lên cùng một vị trí. Cuối cùng do các xe không giữ khoảng cách 30 m như quy định mà nối đuôi nhau qua cầu” - chiều 29-3, ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, cho biết.

Theo ông Thiết, sau khi khắc phục xong sự cố, Khu 2 và các đơn vị liên quan sẽ tăng cường kiểm soát, điều tiết xe qua cầu. Riêng việc kiểm tra tải trọng xe trước khi vào cầu đang gặp khó do không thể sử dụng cân lưu động vì sẽ gây ùn tắc. Còn loại cân cảm ứng điện tử có thể cân mà không cần dừng xe lại quá đắt (trên 5 tỉ đồng/cân).

Từ đêm 29-3, đơn vị thi công bắt đầu sửa chữa cầu. Thời gian thực hiện khoảng ba ngày cho một làn xe. Phương án tổ chức giao thông như sau: Tạm ngưng lưu thông trên cầu từ 21 giờ đến 6 giờ sáng, các loại ô tô sẽ đi theo đường gom bên hông cầu. Vào ban ngày, tạm ngưng lưu thông làn xe sát lan can cầu, làn xe còn lại cho phép các loại xe con đi qua. Các loại xe khác đi theo đường gom bên hông cầu.

L.ĐỨC - H.TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm