Cần Thơ, Vĩnh Long phát triển mạnh mạng lưới xe buýt

Trước đây, người dân ĐBSCL khá lạ lẫm với xe buýt do có thói quen sử dụng xe lôi máy. Khoảng 4-5 năm gần đây, khi các địa phương chính thức “khai tử” xe lôi máy, xe buýt mới trở thành phương tiện công cộng quen thuộc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên...

Phát triển mạnh do rẻ, tiện lợi

Ở Cần Thơ, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt do Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị TP Cần Thơ (Công ty CTĐT Cần Thơ) đảm trách. Hiện công ty quản lý bảy tuyến, chưa kể tuyến Cần Thơ-Vĩnh Long chuẩn bị vận hành, với 116 đầu xe. Trong số này có 55 xe của công ty, số còn lại của các đơn vị liên doanh. Do giá vé rẻ (từ 2.000 đến 8.000 đồng) và an toàn nên xe buýt nhanh chóng trở thành lựa chọn số một của người dân, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên, công nhân…

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long hiện có chín tuyến xe buýt với 117 đầu xe, chủ yếu từ TP Vĩnh Long đi các huyện. Các tuyến này đều đi theo trục quốc lộ, tỉnh lộ tỏa về các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, một số tuyến xe buýt liên tỉnh từ TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và cầu Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) có xe chạy tới Vĩnh Long nên thu hút lượng khách rất lớn đi lại. Anh Trần Văn Minh, nhà ở Cái Vồn (huyện Bình Minh) nói: “Hai vợ chồng làm ở KCN Hòa Phú, cách nhà khoảng 20 km. Hồi trước cũng đi xe máy cho tiện nhưng thấy đường quốc lộ nhiều xe lớn chạy quá nên vợ chồng tui đi làm bằng xe buýt cho an tâm”.

Cần Thơ, Vĩnh Long phát triển mạnh mạng lưới xe buýt ảnh 1

Hiện nay, TP Cần Thơ đang phải tạm lấy lòng đường làm bến xe buýt và vỉa hè lập trạm điều hành. Trong ảnh: Bến xe buýt tại đường Nguyễn Thái Học, quận Ninh Kiều. Ảnh: GIA TUỆ

Vừa qua, khi cầu Cần Thơ chính thức thông xe, người dân khu vực các huyện Bình Minh, Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) gặp khó khăn trong việc đi từ Vĩnh Long sang Cần Thơ. Trước thực tế này, ngoài việc xúc tiến xin Bộ GVTT bàn giao lại bến phà Cần Thơ để tổ chức thành bến khách ngang sông, Sở GTVT TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long thống nhất cho khai thác xe buýt trên địa phận hai địa phương. “Các tuyến xe buýt liên tỉnh này sẽ sớm chính thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai địa phương” - ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ nói.

Thay xe mới để phục vụ tốt hơn

Dù tiện lợi nhưng hiện nay ở Cần Thơ và Vĩnh Long xe buýt vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, hệ thống trạm, nhà chờ chưa đảm bảo tiêu chuẩn, vị trí nhiều nhà chờ còn bất tiện cho việc dừng đậu để khách lên xuống; xe chưa đảm bảo tiêu chuẩn…

Như ở Cần Thơ, tại quận Ninh Kiều, do không có trạm nên phải trưng dụng luôn lòng đường Nguyễn Thái Học để làm bến xe buýt. Do đây là khu vực có lượng phương tiện đông đúc nên vào giờ cao điểm, xe buýt ra vào dễ gây ùn tắc cục bộ. Còn bến tại quận Ô Môn nằm gần khu vực ngã ba, sát cây xăng nên không đảm bảo an toàn cháy nổ. Trong khi đó, chín tuyến xe buýt ở tỉnh Vĩnh Long với tổng chiều dài toàn tuyến trên 340 km nhưng có chưa tới 40 trạm trong khi theo quy định phải trên 200 trạm.

Theo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, hiện tổng số 117 đầu xe (đa phần đời xe đều từ năm 2000 trở lại đây) đều là ôtô khách sử dụng để chạy xe buýt. Do đó các tiêu chuẩn xe buýt như chỗ ngồi, diện tích sàn xe dành cho khách đứng, cửa lên xuống, tính năng kỹ thuật… đều chưa đảm bảo quy chuẩn. Hiện Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thiện đề án chuyển đổi toàn bộ số xe này với lộ trình thực hiện từ 2010 đến 2015, trình UBND tỉnh quyết định.

Dù đề án chuyển đổi chưa được thông qua nhưng một số chủ xe tỏ ra phân vân. Ông Nguyễn Đồng Sơn, chủ xe buýt chạy tuyến Vũng Liêm-TP Vĩnh Long, cho biết: “Gia đình mua mới xe này vào năm 2003 với giá hơn 250 triệu đồng, phải vay mượn hơn phân nửa và vừa trả dứt nợ. Giờ lại nghe thông tin phải chuyển đổi, không biết xe này sẽ đem bỏ đi đâu. Mà đem chạy xe khách thì chen chân sao nổi vì tuyến nào cũng đông nghẹt”. Nhiều chủ xe khác ở Vĩnh Long cũng lo lắng không biết lộ trình thực hiện như thế nào, bao giờ triển khai nên đứng ngồi không yên.  

Trong khi đó tại Cần Thơ, số xe chưa đạt chuẩn chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 116 đầu xe và đều là xe của đối tác bên ngoài. Ông Đỗ Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Công ty CTĐT Cần Thơ, cho biết đã đề xuất TP cho chủ trương để công ty đầu tư mua xe mới. Điều này vừa nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa tạo bước chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động xe buýt trên địa bàn. Lãnh đạo TP đã cho phép công ty đầu tư thêm 35 xe buýt (loại 20 chỗ ngồi, 20 chỗ đứng) với tổng mức đầu tư trên 25 tỉ đồng (ngân sách nhà nước đầu tư 30%, còn lại do công ty lo).

“Khi có thêm số đầu xe mới, công ty sẽ dần thay thế số xe cũ nhằm phục vụ hành khách tốt hơn. Thời gian tới, công ty dự kiến mở thêm tuyến xe buýt Cần Thơ-Cái Cui-Cái Côn (tỉnh Sóc Trăng) và tuyến Mậu Thân-sân bay Trà Nóc để phục vụ nhu cầu của người dân” - ông Đỗ Ngọc Bắc nói.

TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất hợp tác khai thác ba tuyến xe buýt là TP Vĩnh Long-Cần Thơ; huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long)-Cần Thơ và huyện Bình Tân (Vĩnh Long)-Cần Thơ. Do lộ trình chủ yếu nằm ở địa bàn Vĩnh Long nên địa phương này sẽ đưa 21 xe vào hoạt động, còn Cần Thơ là chín xe.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm