Cây chanh nhiễm điện giật chết người

Tòa cũng chưa biết chủ cây chanh phải bồi thường thiệt hại hay đơn vị điện lực...

“Sau khi chồng tôi bị điện giật chết, ông Đỗ Văn Út là chủ đường điện không có một lời xin lỗi lại thẳng thừng xua tay coi như không biết gì. Tôi cũng không biết trường hợp này ai phải bồi thường nên mới quyết kiện để tòa xác định rõ ai lỗi ai phải để bồi thường cho tôi...” - bà Võ Thị Kim Tư gạt nước mắt kể.

Để điện hở giật chết người

Bà Tư cho biết: “Nhà tôi và nhà ông Út đi chung một đường. Hôm đó là chiều 20-12-2012, trời đang mưa, chồng tôi đi làm mướn về thì vô tình va quẹt vào những cành cây chanh nhà ông Út thì bị điện giật chết. Nguyên do là các cành chanh đều bị nhiễm điện do đường dây điện từ đầu trụ điện nối vào nhà ông Út bị hở rồi truyền qua các nhành cây...”.

Ông Út bảo: “Đúng là chồng bà Tư bị điện giật chết bên hàng chanh nhưng là do ông ấy nhậu say rồi té vô đường điện nên mới bị thiệt mạng, bao nhiêu người đi qua đều không sao. Hơn nữa lỗi để hở điện không phải do tôi mà do ngành điện lực khi di dời trụ điện bất cẩn để dây thòng xuống mới xảy ra sự cố. Do vậy tôi không liên quan gì đến cái chết của nạn nhân”.

Cây chanh nhiễm điện giật chết người ảnh 1

Con trai bà Tư chỉ chỗ đầu dây điện nối vào nhà ông Út, nơi chồng bà Tư bị điện giật chết. Ảnh: V.TÂM (Ảnh chụp ngày 23-4)

Phía điện lực khẳng định: “Đường dây bị hở điện thuộc quyền quản lý của ông Út, cơ quan điện lực không có trách nhiệm”.

Các bên đối đáp qua lại không xong nên bà Tư quyết định khởi kiện yêu cầu ông Út bồi thường cho mình hơn 55 triệu đồng gồm các khoản: chi phí mua hòm, vật liệu làm mộ, tiền làm đám tang, tiền tổn thất tinh thần...

Chưa rõ ai bồi thường

Tháng 12-2012, xử sơ thẩm vụ án, TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) chấp nhận một phần yêu cầu của bà Tư, buộc ông Út phải bồi thường 22 triệu đồng gồm tiền mai táng và tổn thất tinh thần, đồng thời cấp dưỡng cho con bà Tư mỗi tháng 500.000 đồng đến khi tròn 18 tuổi.

Tòa sơ thẩm nhận định: “Việc để hở điện và nhiễm vào hàng cây chanh là lỗi hoàn toàn do ông Út không bảo trì sửa chữa đường dây điện của nhà mình. Dù đây là lỗi không cố ý nhưng do hậu quả chết người đã xảy ra nên ông Út phải có trách nhiệm…”.

Sau đó phía ông Út kháng cáo cho rằng mình không có lỗi nên không đồng ý bồi thường.

Mới đây xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên hủy toàn bộ bản án trên vì cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Theo HĐXX, tòa sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ như khi di dời trụ điện, đơn vị điện lực có thông báo cho các hộ sử dụng điện biết hay không; khi di dời xong thì người thi công có kiểm tra đường dây điện vào các hộ đã đảm bảo kỹ thuật an toàn hay chưa... Trong khi các vấn đề này chưa được làm rõ mà tòa sơ thẩm vẫn nhận định để tuyên án là sai. Đặc biệt tòa sơ thẩm không đưa hợp tác xã xây lắp điện vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Việc có người liên quan này sẽ xác định được lỗi của các bên trong việc gây ra cái chết cho chồng bà Tư. Tòa vội vàng quyết định là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, cần phải hủy án.

▲▲▲

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Tư cho biết thêm: “Đường điện trên đã bị hở và gây nhiễm điện từ lâu nhưng không được khắc phục. Trước đó một lần, có người bán vé số dạo đến đó đi vệ sinh cũng bị điện giật văng ra, may là không sao. Sau lần đó, đường dây cũng không được sửa chữa. Chồng tôi chết oan mà không ai chịu trách nhiệm là rất vô lý...”.

Hủy án là chính xác

Theo tôi, TAND tỉnh Bến Tre hủy án sơ thẩm là cần thiết để bảo đảm và tôn trọng sự thật khách quan. Bởi cái chết của người bị hại liên quan đến việc hở nguồn điện ở phần tủ điện và đầu dây nối vào nhà người sử dụng điện chứ không phải sự cố đường dây do bị đơn cố tình giăng ra. Dù rằng nó liên quan đến hàng cây chanh nhà bị đơn nhưng không có nghĩa là lỗi để cây bị nhiễm điện thuộc về họ. Do vậy cần phải xác định rõ lỗi kỹ thuật của việc hở hiện do đâu, có phải là do đơn vị điện lực hay không. Nếu cần thiết tòa phải trưng cầu giám định về kỹ thuật để biết nguyên nhân sự cố. Ngoài ra một nguyên tắc chung khi giải quyết các vụ án là tòa phải đưa tất cả cá nhân, đơn vị liên quan vào tham gia vụ án chứ không thể theo cảm tính mà bỏ qua...

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

VĂN TÂM - THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm