Chiếc xe Honda @ bị mất

TAND TP.HCM vừa sửa bản án sơ thẩm vụ bị cáo Lê Đức Tài phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Theo tòa, tòa án cấp sơ thẩm không nghiên cứu công văn hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về tài sản có giá trị bao nhiêu là lớn dẫn đến xử sai khung...

Viện bảo khoản 1, tòa nói khoản 2

Theo hồ sơ, tháng 1-2005, một phụ nữ tại phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) đến công an trình báo bị kẻ gian cạy cửa nhà lấy trộm chiếc xe tay ga Honda hiệu @. Sáu ngày sau, trên đường đi tuần tra, Công an TP.HCM phát hiện thấy Tài chạy chiếc xe máy nêu trên (đã bị đổi màu sơn từ xanh sang trắng) nên tạm giữ để làm rõ. Tài khai nhận đi bán xe hộ một người bạn mới quen tên Lương Đình Bảo để hưởng thù lao 200 USD, đang trên đường đến chỗ hẹn thì bị giữ lại...

Theo kết quả định giá, giá trị chiếc xe @ tại thời điểm Tài phạm tội là 60 triệu đồng. Vì lẽ đó, Tài bị VKSND quận Tân Phú truy tố theo điểm c khoản 2 Điều 250 BLHS (tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn, khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù).

Chiếc xe Honda @ bị mất ảnh 1

Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm tháng 11-2010, công tố viên đã rút một phần truy tố từ khoản 2 xuống khoản 1 với lý do giá trị vật phạm pháp chỉ có giá trị là 60 triệu đồng không đủ để truy tố khoản 2. Theo công tố viên, giá trị vật phạm pháp phải từ 70 triệu đồng trở lên mới gọi là lớn.

Sau khi nghị án, HĐXX vẫn cho rằng truy tố Tài ở khoản 2 mới có cơ sở. Theo tòa, điểm c khoản 2 điều luật này quy định giá trị vật phạm pháp từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng được coi là lớn (trong khi chiếc xe trị giá 60 triệu đồng). Công tố viên tự rút một phần quyết định truy tố là không phù hợp pháp luật. Cuối cùng, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt Tài 24 tháng tù theo điểm c khoản 2...

Ngay sau đó, VKSND quận Tân Phú đã kháng nghị bản án trên theo hướng yêu cầu tòa cấp phúc thẩm xử bị cáo Tài ở khoản 1...

Chưa phải là giá trị lớn

Tại phiên phúc thẩm mới đây, công tố viên cho rằng theo Công văn hướng dẫn số 102 (ngày 7-10-1998 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao), giá trị tài sản vật phạm pháp theo điểm c khoản 2 Điều 250 BLHS phải từ 70 triệu đến dưới 200 triệu đồng mới được coi là lớn. Tuy công văn này đã ban hành từ lâu song hiện tại chưa có công văn nào thay thế nên về nguyên tắc nó vẫn có giá trị hướng dẫn cho điều khoản trên. Do vậy, đề nghị tòa chỉ tuyên bị cáo Tài 12-18 tháng tù theo khoản 1 của điều luật.

Đồng tình, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng khái niệm tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn tại điểm c khoản 2 Điều 250 trong BLHS chỉ nêu chung chung mà không định lượng rõ là bao nhiêu. Do đó phải dựa vào công văn hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xử lý. Tòa cấp sơ thẩm cho rằng giá trị đó là từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng là không vận dụng công văn hướng dẫn nêu trên. Cuối cùng, HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKSND quận Tân Phú giảm hình phạt, sửa án sơ thẩm chuyển từ 24 tháng tù xuống còn 18 tháng tù đối với Tài...

Phải có hướng dẫn mới

Tôi không bàn đến việc tòa nào xử đúng, tòa nào sai mà chỉ bàn về giá trị pháp lý của Công văn 102 nêu trên. Công văn này ra đời năm 1998 và hướng dẫn cho BLHS năm 1999 (hiện nay là BLHS sửa đổi, bổ sung 2009). Như vậy khi nội dung điều luật thay đổi thì không thể dùng công văn cũ để hướng dẫn được. Cụ thể giá trị của vật phạm pháp theo Điều 250 BLHS 1999 chỉ phân biệt hai khoản giá trị là nhỏ và lớn. Khi sửa đổi luật năm 2009, giá trị định lượng trên đã được các nhà làm luật bổ sung thêm hai khái niệm nữa là rất lớn và đặc biệt lớn. Tuy nhiên, luật không nói rõ thế nào là lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Do đó, tôi nghĩ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải nhanh chóng ban hành công văn hướng dẫn để thay thế cho Công văn 102 đã lạc hậu.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm