Ngày 5-11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng nên áp dụng từ 1-1-2013 để có lợi cho dân.
Để phù hợp tình hình
Dự thảo này nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Áp dụng mức giảm trừ này vào ngày 1-1-2013 hay 1-7-2013 là vấn đề cần thảo luận.
Hầu hết ĐB đoàn TP.HCM đều có ý kiến nên áp dụng từ ngày 1-1-2013. ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị nên áp dụng sớm vì sẽ có ý nghĩa rất lớn để kích cầu tiêu dùng trong dân, thúc đẩy sản xuất tốt hơn. Tương tự, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cũng cho rằng áp dụng sớm sẽ chia sẻ khó khăn cho người lao động.
ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng nên áp dụng từ 1-7-2013. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ có giải pháp tiếp tục gia hạn chính sách miễn thuế TNCN cho người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 thêm sáu tháng đầu năm 2013. “Chúng ta đang miễn sáu tháng cuối năm 2012 (theo Nghị quyết 29/2012 của Quốc hội - PV). Chẳng lẽ đang miễn rồi lại thu thuế sáu tháng đầu năm 2013 rồi sau đó lại áp dụng luật mới? Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về việc tiếp tục chính sách này để Quốc hội thông qua luôn” - ông Quang đề nghị.
Thảo luận về thuế TNCN tại tổ Hải Phòng - Thanh Hóa - Cần Thơ. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Thuế TNCN dần mất ý nghĩa
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ĐB cũng cho rằng sắc thuế này đã mất dần bản chất thuế thu nhập “cá nhân” mà đang mang tính thuế thu nhập đối với người có “thu nhập cao”.
ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng: “Năm 2007 ban hành Luật Thuế TNCN là quá non bởi vì mức thu nhập của người dân đến nay vẫn chưa ổn định. Ý nghĩa của sắc thuế “TNCN” là mỗi công dân đều đóng góp, thế nhưng đến nay ý nghĩa này đã biến tướng, thuế này nay đã thành thuế đối với người có thu nhập cao. Điều này cho thấy chúng ta chưa dự báo tốt, ban hành luật vội vã nên luật không thích ứng được những năm tiếp theo, ngay sau đó đã thể hiện tính lạc hậu rồi, nay phải sửa. Tôi cho rằng nếu được xem xét thì nên bỏ luôn luật này mà khôi phục lại sắc thuế đối với người có thu nhập cao. Ta có thể huy động việc nộp thuế trở lại. Bao giờ kinh tế ổn định, ngưỡng thu nhập của nhân dân ổn định thì ta áp dụng lại Luật Thuế TNCN này. Hiện luật này không còn ý nghĩa đúng của nó nữa vì số người đóng góp rất nhỏ (dự kiến là 1 triệu người ở mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng - PV).
“Tôi đồng ý rằng luật này đã thoát ly với ý “cá nhân” và đang quay về ý “thu nhập cao” - ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) có ý kiến tương tự.
Ngày 15-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN và ngày 22-11 sẽ biểu quyết thông qua.
ĐB NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG, Hải Phòng: Đánh thuế thừa kế 10% là quá cao Điều 31 dự thảo quy định thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng là 10%. Tôi cho rằng thuế từ trúng thưởng có thể ở mức 10% nhưng thuế từ thừa kế mà 10% thì cao quá. Trong khi thừa kế chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ đánh thuế có 2% mà thừa kế cái khác đánh thuế 10% là không hợp lý. ĐB NGUYỄN VĂN MINH, TP.HCM: Giảm trừ gấp đôi cho người bị bệnh Cần giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc ở mức 4,5 triệu đồng/tháng. Người phụ thuộc mắc bệnh nan y như ung thư hoặc phải chạy thận thì chi phí chữa trị rất tốn kém. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh lên gấp đôi mức trung bình. Chúng ta không phải quá lo chuyện tiêu cực, lợi dụng chính sách để trốn thuế vì người điều trị bệnh nan y đã có hồ sơ bệnh án điều trị của cơ sở y tế. ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, TP.HCM: Đau ốm cần được hoãn nộp thuế Đề nghị có phương án xem xét cho hoãn nộp thuế, giảm thuế TNCN trong trường hợp người nộp thuế đau ốm hoặc các trường hợp cá biệt phát sinh khác, giống như biện pháp cho chuyển lỗ của doanh nghiệp. ĐB ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG, TP.HCM: Cần làm rõ thời gian điều chỉnh Dự thảo luật có quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt quá 20%. Cần quy định rõ trong thời hạn bao lâu kể từ khi chỉ số giá tăng quá 20% thì Chính phủ phải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ. |
Càng giàu càng lợi? Nhiều người vui mừng trước thông tin mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế nhiều khả năng sẽ được nâng lên 9 triệu đồng thay vì 4 triệu đồng hiện hành. Tuy nhiên, có một điều ít ai nói ra, nếu nâng mức giảm trừ như vậy thì người được lợi nhiều hơn lại là những người giàu, có nghĩa thu nhập càng cao càng được lợi. Ví dụ nôm na, với mức giảm trừ hiện hành 4 triệu đồng, nếu không có người phụ thuộc, anh A. có thu nhập 12 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp thuế 550.000 đồng/tháng; anh B. có thu nhập 25 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp thuế 2.550.000 đồng/tháng. Nếu mức giảm trừ tăng lên 9 triệu đồng/tháng, anh A. nộp thuế 150.000 đồng, xem như “lợi” được 400.000 đồng; anh B. nộp thuế 1.650.000 đồng, xem như “lợi” 900.000 đồng. Như vậy, người càng giàu sẽ càng được “lợi” khi tăng mức giảm trừ. Còn với 95,6% dân số có thu nhập chưa đến mức nộp thuế hiện nay thì cứ tăng giảm trừ lên đồng nghĩa với ngân sách giảm xuống. Nói cách khác, “túi tiền chung” thu hẹp lại thì phúc lợi, chính sách cũng bị ảnh hưởng theo. Thế nên một đại biểu Quốc hội mới ngậm ngùi: “Trong thời chiến, người dân đói nghèo nhưng đóng góp không tiếc chút gì cho đất nước. Còn trong thời bình, chẳng lẽ thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng mà góp một, hai trăm nghìn cho đất nước cũng phân vân sao?”. Chữa cái tâm lý “phân vân” này, có lẽ phải bắt cho đúng bệnh. Chi tiêu “túi tiền chung” còn lãng phí, còn bớt xén, còn chưa rõ ràng, chưa hiệu quả thì làm sao người nộp thuế không khỏi tiếc đồng tiền bỏ ra?! Nếu như bệnh này được chữa thì những lần cân nhắc mức giảm trừ gia cảnh sau này, người nộp thuế chắc chẳng ai băn khoăn nữa. QUỲNH NHƯ |
NHÓM PV