Khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIII:

Chủ động ứng phó các tác động tiêu cực đến kinh tế

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 7 (ngày 20-5) cho thấy bốn tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

GDP quý I tăng gần 5%

Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12-2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong bốn năm qua. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước.

Tuy nhiên, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, xử lý nợ xấu còn chậm. Cùng với đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn thấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang là khó khăn, thách thức lớn.

Các đại biểu Quốc hội với đại biểu quốc tế dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đáng lưu ý là sẽ tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp. Trong đó xây dựng các giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước. Kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Từng bước xử lý các khoản mà ngân sách còn nợ. Bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.

Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về xử lý tài sản đảm bảo và bán đấu giá tài sản. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế an toàn hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ...

Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trước tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển nước ta từ đầu tháng 5-2014, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các cấp cần triển khai chủ trương của Đảng qua ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị các cơ quan trên chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… Bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân. Tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cảnh giác với luận điệu xấu, không manh động, bị kẻ xấu lôi kéo có những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư và hình ảnh, uy tín của đất nước và nhân dân ta.

THÀNH VĂN

Đề xuất tòa án kiểm soát việc bắt, tạm giam

Chiều qua, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Trong đó có bảy vấn đề quan trọng xin ý kiến Quốc hội gồm có: Làm rõ nội hàm “quyền tư pháp” của TAND; tổ chức TAND sơ thẩm khu vực; nhiệm vụ phát triển án lệ; thành lập tòa giản lược; các ngạch thẩm phán; nhiệm kỳ thẩm phán; tuổi nghỉ hưu của thẩm phán.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, với đề xuất nội hàm “quyền tư pháp” cụ thể trong xét xử thì tòa án không bị giới hạn bởi tội danh và khung hình phạt theo cáo trạng của VKSND truy tố. Do TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nên quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Mặt khác, để tòa án thực hiện nhiệm vụ hiến định (bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…) thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành án. Theo đó, mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân (các biện pháp bắt, tạm giam… - PV) thì phải được tòa án xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp đó là trái pháp luật hoặc không cần thiết. Bên cạnh đó, tòa án có quyền kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hủy bỏ các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành nếu trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trước tờ trình “đột phá” mở rộng quyền kiểm soát tư pháp xuyên suốt quá trình tố tụng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã công bố kết quả thẩm tra của UBTP nhận xét: Khái niệm “quyền tư pháp” chưa được xác định cụ thể trong hiến pháp. Do đó đa số ý kiến thành viên UBTP tán thành với việc cụ thể hóa quy định của hiến pháp về nội dung khái niệm “quyền tư pháp”. Đây là vấn đề rất mới và rất quan trọng. UBTP đề nghị TAND Tối cao cần tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn trong dự thảo luật, bảo đảm cho TAND thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn theo quy định của hiến pháp mới và định hướng cải cách tư pháp.

BÌNH MINH

 

2012: Bội chi 4,75% GDP

Về kết quả thẩm tra tờ trình quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, Ủy ban Tài chính & Ngân sách của Quốc hội cho biết tổng thu NSNN đạt 1.058.140 tỉ đồng (tăng 1,9% so với dự toán), nhiều khoản thu đạt thấp so với dự toán (thu từ xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Thu ngân sách tăng chủ yếu từ nguồn dầu thô và các khoản thu về đất đai (chiếm tỉ trọng khá lớn) thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu NSNN.

Tổng chi NSNN đạt 1.170.924 tỉ đồng (tăng 8,3% so với dự toán). Chi thường xuyên vẫn còn lãng phí, chi sai chế độ quy định, chi không đúng mục đích, sai phạm này đang gia tăng tại các địa phương. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị thu hồi 648 tỉ đồng chi sai chế độ tại 34 địa phương được kiểm toán. Chi quản lý hành chính ở hầu hết địa phương đều vượt dự toán (vượt gần 10.000 tỉ đồng), có 20/34 tỉnh được kiểm toán đã chi vượt dự toán hơn 30%. Trong khi đó, một số khoản chi quan trọng lại thấp hơn mức dự toán Quốc hội đã phê chuẩn (chi cho giáo dục, y tế, khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia...).

Bội chi NSNN là 154.126 tỉ đồng (4,75% GDP), tỉ lệ dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia so với GDP được bảo đảm an toàn. Từ các con số trên, Ủy ban Tài chính & Ngân sách đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2012: Tổng thu ngân sách 1.058.140 tỉ đồng; tổng chi ngân sách 1.170.924 tỉ đồng; bội chi ngân sách 154.126 tỉ đồng, (4,75% GDP), bù đắp bội chi ngân sách từ nguồn vay trong nước 112.283 tỉ đồng và vay ngoài nước 41.843 tỉ đồng.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm