Ngoại giao sôi động lúc biển Đông dậy sóng

Hôm nay, 21-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường thăm làm việc tại Philippines, đồng thời dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á được tổ chức tại quốc đảo này.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc (TQ)  đưa giàn khoan nước sâu 981 vào hạ, đặt sâu trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của VN trên biển Đông. Ngay sau đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 ở cả ba cấp họp từ thấp đến cao đã ra các tuyên bố lên án, phê phán TQ vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển cũng như các thỏa thuận trong khu vực. Cùng với đó, các quốc gia bên ngoài từ Mỹ, EU đến Nhật Bản… lên tiếng, bày tỏ lo ngại về hành động khiêu khích, gây hấn của TQ.

Hai quốc gia đặc biệt…

Cả Việt Nam, Philippines đều tồn tại một số vấn đề  đối với TQ về các khu vực khác nhau trên biển Đông, và là hai nước trong ASEAN va chạm nhiều nhất với cường quốc đang lên. Do đặc thù lịch sử, chính trị, hai nước có cách tiếp cận, xử lý khác nhau trước các vấn đề còn tồn tại với TQ, tuy nhiên chưa bao giờ can thiệp, phê phán nhau. Thậm chí, tại diễn đàn ASEAN như hội nghị lần thứ 24 vừa qua, hai nước còn chia sẻ, thống nhất cao với nhau về cách thức mà khu vực cần phải lên tiếng trước mối đe dọa TQ.

Từ năm 2010, hai nước đã có thỏa thuận hợp tác quốc phòng, thỏa thuận thiết lập đường dây nóng hải quân. Ngoài ra, cảnh sát biển VN và lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines còn có bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin.

Hợp tác biển và đại dương cũng là một trụ cột chính trong quan hệ hai nước.

Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao ở châu Á (đạt mức 7,2% trong năm 2013, chỉ sau Trung Quốc), Philippines có quan hệ thương mại mạnh mẽ với VN, kim ngạch tăng đều, đến 2013 ở mức trên 3 tỷ USD. Đáng chú  ý, đây là một trong số ít nước mà VN xuất siêu. Từ năm 2008, mỗi năm VN xuất siêu hơn 1 tỷ USD, lớn nhất trong khối ASEAN. Trong đó, gạo là mặt hàng chủ lực, mỗi năm Phi nhập khẩu của ta khoảng 1,5 triệu tấn – chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần hội kiến tổng thống Philippines ông Benigno S. Aquino

Những kết quả về ngoại giao, quốc phong, thương mại nêu trên khẳng định mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước VN – Philippines. Chuyến thăm, làm việc của người đứng đầu CP sẽ tiếp tục làm sâu sắc, gắn bó thêm mối quan hệ tình cảm, hữu nghị ấy. Ở đó, lãnh đạo hai nước sẽ chia sẻ mối quan tâm chung, cũng như giải pháp, kinh nghiệm của mối bên trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là về biển Đông đang dậy sóng.

Cơ hội từ WEF Đông Á

Chuyến thăm Philippines được lồng ghép với hoạt động của đoàn VN tại WEF Đông Á với mục tiêu đa dạng. Tại diễn đàn này, các doanh nghiệp lớn của VN sẽ chia sẻ với lãnh đạo các tập đoàn quốc tế lớn, các tổ chức dân sự, học giả trong và ngoài khu vực về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cần cũng như của khu vực Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có phát biểu, khẳng định sự cam kết của VN trong việc bảo đảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, và nhất là cam kết về ổn định chính trị trong bối cảnh vừa xảy ra một số vụ gây rối ở ở Bình Dương,  Hà Tĩnh… gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014 

Đáng chú ý, tham dự WEF Đông Á lần này, ngoài nước chủ nhà, sẽ có mặt lãnh đạo Indonesia, Myanmar… cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế như UNDP, OECD, ADB… Đây sẽ là dịp để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có các gặp gỡ, trao đổi bên lề về các vấn đề mà VN và đối tác quan tâm, trong đó có những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của các sự việc đang diễn ra trên biển Đông với các nền kinh tế trong khu vực.

Ngoại giao con thoi

Một cách ngẫu nhiên, vào đúng thời điểm TQ có hành động gây bất ổn trên biển Đông nay, VN lại có nhiều diễn đàn quốc tế để quảng bá lẽ phải của mình, đấu tranh với các hanh xử thô bạo của người láng giềng phương Bắc.

Ngoài chuyến công cán của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 20 đến 22-5, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc. Diễn đàn này có đủ mặt các cường quốc gồm các thành viên chính thức như Nga, TQ, Ấn Độ và các quan sát viên như Mỹ, Nhật Bản, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu… CICA là diễn đàn thích hợp để VN thể hiện trách nhiệm, thiện chí của mình trước các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cũng là để đấu tranh dự luận về vấn đề biển Đông.

 Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2011

Còn tại Nhật Bản, từ 22 đến 23-5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham dự hội nghị quốc tế mang tên Tương lai châu Á. Đây là diễn đàn thường niên có uy tín do báo Nikkei tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách các nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Tại hội nghị lần thứ 20 này, VN sẽ thảo luận, trao đổi với các nhà lãnh đạo khu vực về các giải pháp ứng phó với các thách thức đặt ra đối với sự phát triển của châu lục, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt – Nhật.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm