Ngày 20/5, Trung Quốc vẫn duy trì hơn 90 tàu để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, sẵn sàng phun nước, đâm vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Trong ảnh: Tàu Hải cảnh Trung Quốc (phải) truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam.
Theo bài báo, Trung Quốc đang chơi trò nạn nhân trong việc đưa các công nhân về nước. Động thái này Trung Quốc cố tự tạo hình ảnh họ mới là nạn nhân, trong khi dư luận quốc tế đều chống lại những bước đi hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Ông Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam đang công tác tại Đại học Thành phố ở Hong Kong, nói rằng việc Trung Quốc đưa các tàu đến đón công dân của mình tại Việt Nam là để “phát đi khắp thế giới cảm giác rằng Trung Quốc là nạn nhân, tạo hình ảnh một Việt Nam mất ổn định, gửi tín hiệu xấu về một sự đe dọa trừng phạt”.
Ông Jonathan nói với South China Morning Post: “Động thái này có thể được hiểu là dấu hiệu cho thấy (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) đang muốn nhấn mạnh, chứ không phải làm giảm cảm giác về cuộc khủng hoảng, mà nếu đúng như vậy, sẽ là dự cảm xấu cho những ai hy vọng tình hình giảm nhiệt và các nỗ lực giải quyết khủng hoảng”.
Trong cuộc họp báo ngày 19/5, Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, vấn đề căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Tổng Thư ký Ban Ki-moon thảo luận với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân chuyến thăm nước này.
Tổng Thư ký một lần nữa bày tỏ quan điểm rằng, tất cả các bên phải kiềm chế tối đa và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Ông Ban Ki-moon thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 18 đến 22/5 theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tham dự Hội nghị Củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) diễn ra tại Thượng Hải từ ngày 21 đến 22/5.
Trong khi đó, báo Philstar của Philippines hôm 20/5 đưa tin, Tổng thống Benigno Aquino III sẽ thảo luận vấn đề hợp tác quân sự với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Manila vào hôm nay, nhân dịp đoàn Việt Nam dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thủ đô Manila.
Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, Tổng thống Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có hợp tác quốc phòng, du lịch, thương mại và đầu tư. Cả Việt Nam và Philippines đều đang bị đẩy vào những căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông.
Philippines hôm 19/5 thông báo nước này đã đạt được đồng thuận với Indonesia để giải quyết tranh chấp biên giới biển sau 20 năm đàm phán, và hy vọng sẽ sớm ký kết hiệp định. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, hai nước đã hoàn tất các phiên đàm phán từ cuối tuần qua tại Indonesia, với bản dự thảo hiệp ước và biểu đồ thể hiện biên giới đồng thuận đối với hai vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở biển Celebes và Mindanao.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng, thỏa thuận này là tin vui trong bối cảnh tranh chấp biên giới trên biển Đông ngày càng nóng với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, Philstar đưa tin.
Theo Tiền Phong