Bài báo trên tờ Thế giới (Le Monde) mở đầu với nhận định: “Nói rằng Trung Quốc không tạo được sự tin tưởng, nhất là với các nước láng giềng, là một cách nói tránh cho lịch sự. Nói rằng Trung Quốc đang được nhận thức, với chiều hướng ngày càng tăng ở châu Á, như một dân tộc có những mưu đồ đế quốc, từ bây giờ là một sự hiển nhiên. Người Việt Nam, bất chấp sự xung khắc lâu đời với người láng giềng phương bắc, luôn lựa chọn con đường ngoại giao để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ…”.
Bài báo trên tờ Le Monde của Pháp (Ảnh chụp màn hình) |
Giàn khoan dẫn đến sự xuống cấp mạnh trong quan hệ Việt-Trung
Bài báo viết lại nguồn gốc sự việc như sau: Vào tháng 4/2014, CNOOC, Tổng công ty dầu khí Trung Quốc, đã quyết định đặt một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông mà không có bất kỳ sự tham vấn nào trước đó với Hà Nội. Sự khiêu khích ngang nhiên này của Trung Quốc đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam hôm 7/5. Họ đã gửi lực lượng chấp pháp ra hiện trường để nói thẳng với “kẻ xâm lược”. Các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng bắn về phía các tàu Việt Nam trước khi đâm thẳng vào các tàu của Việt Nam…
Bài báo viết: Người Việt Nam, ý thức được sự cần thiết phải duy trì được mối quan hệ kinh tế không thể thiếu với Trung Quốc, cho rằng các con đường thương lượng luôn tốt hơn các con đường đối đầu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của giàn khoan, mà theo chuyên gia về các vấn đề chiến lược Trung Quốc, Shi Yinhong thì đó là kết quả của “những quyết định ở cấp cao nhất”, đã dẫn đến một sự xuống cấp mạnh trong quan hệ Việt-Trung.
“Trung Quốc: Đường lối dân tộc chủ nghĩa song hành với hiện đại hóa quân đội”
Bài báo trên tờ Thế giới viết về tham vọng bá quyền của Trung Quốc như sau: “Sức mạnh đang lên của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là kinh tế. Trung Quốc ngày càng bộc lộ đường lối dân tộc chủ nghĩa song hành với việc hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân”. Và theo bài báo: “Theo một cách nào đó, ông Tập Cận Bình đại diện cho một quyết tâm chính trị không lay chuyển của Trung Quốc là phải thống trị như một cường quốc khu vực. Trung Quốc đòi hỏi tất cả các vùng biển phía Nam có gắn tên mình ở đó. Đó là chưa kể đến những tranh chấp ở phía Bắc với Nhật Bản trong biển Hoa Đông".
Về quan điểm của chính phủ Việt Nam, bài báo viết: “Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, đã bày tỏ thái độ cứng rắn sau những cuộc bạo động ngày 13 - 14/5. “Trung Quốc nói là Việt Nam phải rút đi (khỏi khu vực mà công ty Trung Quốc đặt giàn khoan). Nhưng đây là nhà chúng tôi. Tại sao chúng tôi phải rút?’ – ông tuyên bố”.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam |
Trung Quốc không được phép có những hành động như thế
Đồng quan điểm phản đối tư tưởng bá quyền của Trung Quốc, nhà báo Lina Sankary của tờ Nhân đạo (L’Humanite) của Pháp, người phụ trách viết bài về căng thẳng trên biển Đông cho biết: “Thực sự trong những ngày qua, có những đụng độ qua lại đáng lo ngại giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được Công ước quốc tế của LHQ về Luật biển năm 1982 công nhận. Phải nói rõ là Luật quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển này nên Trung Quốc không được phép có những hành động như thế.
Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà là từ vài năm nay chúng ta được chứng kiến những khiêu khích dùng sức mạnh kiểu này từ phía Bắc Kinh, không chỉ với Việt Nam mà còn với Nhật Bản hay Philippines. Đó là điều hết sức đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực nên cần phải kêu gọi mọi người phản ứng. Trong các tranh chấp với các nước, chiến lược của Trung Quốc luôn là dùng sức mạnh để áp đảo. Nói cách khác là họ đang tìm cách quân sự hóa các tranh chấp”.
Cũng theo nhà báo Lina Sankary, Việt Nam đã, đang và sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi giương cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý.
“Việt Nam sẽ có sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay, không một ai không nghi ngờ về thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông và những điều này đều mang lại tác động đến ý kiến của công luận, của truyền thông và các đảng phái chính trị.
Tôi nghĩ là ngay cả quan hệ kinh tế lớn giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng không thể ngăn trở một sự đoàn kết như thế. Phía Việt Nam hoàn toàn có lý lẽ hợp pháp theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và tôi nghĩ không ai lại mong muốn và lợi ích gì nếu một cuộc xung đột lớn bùng nổ, thế nên một sự đoàn kết quốc tế với Việt Nam có thể dễ dàng được xây dựng quanh cuộc khủng hoảng này” - nhà báo Lina Sankary nhận định./.
Theo Thùy Vân/VOV - Paris