Với việc Trung Quốc vẫn hung hăng và hành động phi lý khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, nhiều nhà phân tích trên thế giới cảm thấy khó hiểu với cam kết “trỗi dậy hòa bình” trước đó của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Hôm 15/5, trong bài phát biểu kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Trung Quốc với Nước ngoài ở thủ đô Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã hứa hẹn Trung Quốc “chắc chắn sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình”. Phát ngôn này đã nhắc lại lập luận mà Bắc Kinh thường đưa ra là lịch sử đã chứng minh Trung Quốc luôn có những ý định ‘lành tính’.
Ông Tập Cận Bình phát biểu kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Trung Quốc với Nước ngoài ở thủ đô Bắc Kinh hôm 15/5/2014. |
Ông Tập còn nói thêm: "Người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình, và luôn theo đuổi niềm tin vững chắc vào hòa bình, tình hữu nghị và sự hòa thuận”. Ông Tập thậm chí còn khẳng định rằng: “Trong máu của người Trung Quốc không có gen xâm lược nước khác hay người Trung Quốc không chấp nhận tư duy kẻ mạnh là kẻ đúng".
Trong khi đó, theo Thời báo New York, những lời hứa hẹn trên của ông Tập mâu thuẫn, thậm chí là đối lập hẳn với tuyên bố cùng ngày của Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Phòng Phong Huy, tại Washington. Bất chấp việc Trung Quốc đang hung hăng tại Biển Đông, ông Phòng vẫn thản nhiên tuyên bố: "Chúng tôi không gây rắc rối. Chúng tôi không tạo ra rắc rối. Nhưng chúng tôi không sợ rắc rối. Trong vấn đề liên quan tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng tôi sẽ luôn kiên định”. Viên tướng này còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khoan dầu ở vùng biển của Việt Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam.
Hai phát ngôn trên được cho là đang thể hiện chính sách hai mặt của Trung Quốc. Vì phát biểu tại một hội nghị thể hiện “tình hữu nghị với nước ngoài” nên theo lẽ tự nhiên, ông Tập tìm cách làm nổi bật ý định hòa bình của Trung Quốc. Còn với ông Phòng, với tư cách là một nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc, ông này đang cố bảo vệ những chính sách hung hăng của Trung Quốc khi đối mặt với truyền thông quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, hai tuyên bố trên không hề mâu thuẫn. Thực chất, phát ngôn của ông Tập và ông Phòng giống như hai mặt của một đồng xu: Trung Quốc đang trỗi dậy hòa bình, nhưng Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ những tuyên bố lãnh thổ vô lý của mình.
Thậm chí, hai tuyên bố trên cho thấy, Trung Quốc không nhận ra hoặc cố tình phớt lờ sự đối lập hay mâu thuẫn giữa hành động ở Biển Đông và luận điệu lặp đi lặp lại về “sự trỗi dậy hòa bình” của mình.
Khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Bắc Kinh tự cho rằng mình có quyền khoan dầu ở đây và liên tục đổ lỗi cho Việt Nam gây ra rắc rối và những vụ đụng độ, bất chấp việc Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cùng với một đội tàu hùng hậu lên tới gần trăm chiếc, có cả tàu chiến và máy bay chiến đấu. Trên biển, tàu Trung Quốc mới là kẻ phun vòi rồng, đâm vào tàu Việt Nam. Trung Quốc luôn luôn tuyên bố sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực và cưỡng ép trong các vấn đề về lãnh thổ.
Nhìn vào tuyên bố trên của ông Tập và ông Phòng, nhiều chuyên gia thấy rằng sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại hay trong phát ngôn về chính sách đối ngoại là một sai lầm vì nó khiến mọi người có những cách hiểu bất lợi cho Trung Quốc. Ví dụ như, nhiều người nghĩ rằng các nhà lãnh đạo dân sự của Trung Quốc đang ‘sai nhịp’ với các nhà lãnh đạo quân sự.
Mặc dù vậy, sự thật là Trung Quốc chưa bao giờ có ý định áp dụng ý tưởng “trỗi dậy hòa bình” vào những vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cho nên hai tuyên bố trên không hề có sự mâu thuẫn.
THE DIPLOMAT là một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
The Diplomat bắt đầu ra mắt từ năm 2002 và cho đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và các học giả chuyên sâu về các vấn đề trong khu vực này.