TRÊN TRẬN TUYẾN DIỆT THAM NHŨNG - BÀI CUỐI

Công khai, minh bạch: “Vắc-xin” ngừa tham nhũng

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các nghị định liên quan đã dành dung lượng không nhỏ để quy định về giải pháp này. Tuy nhiên, việc thực thi công khai, minh bạch hiện nay không được thực hiện đến nơi đến chốn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công cuộc PCTN.

Ông Nguyễn Kim Đĩnh, nguyên Chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng: Nếu chúng ta đã xác định tham nhũng là “giặc nội xâm” thì phải huy động mọi lực lượng để diệt giặc này. Trong đó, sức mạnh giám sát để phát hiện tham nhũng từ tai mắt của nhân dân là hết sức quan trọng.

Những quy định mốc meo trên giấy

Tình trạng rất đáng lo ngại hiện nay là các quy định về công khai, minh bạch bị bỏ “lên mốc” trên giấy. Chẳng hạn, theo kết quả điều tra chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2010, công bố ngày 31-3-2011), có tới 72% người trả lời không biết về vấn đề quy hoạch sử dụng đất ở địa phương, mặc dù họ rất cần được biết vì liên quan đến việc sinh sống của họ. Cũng theo điều tra này, việc tuyển dụng nhân sự vào các cơ quan nhà nước ít khi được công bố công khai tiêu chuẩn mà phải hối lộ hoặc thân quen mới có chỗ làm (khảo sát ở hai tỉnh Hà Nam, Nam Định, có 95% người được hỏi cho rằng chuyện hối lộ khi xin việc là cực kỳ quan trọng)…

Ngoài ra, việc giám sát công khai, minh bạch cũng chưa được quan tâm, thậm chí gần như không ai bị chế tài nếu không công khai hoặc công khai chưa đúng. “Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng để luật hóa các quy định về công khai, minh bạch nhưng việc thực thi nó ở các cấp còn yếu. Thậm chí, nếu người mà luật bắt buộc phải công khai, minh bạch nhưng không làm thì họ cũng không bị sao cả. Cấp trên cũng không bao giờ đi kiểm tra chuyện này. Trong khi đó, đây là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng từ bên trong” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, chỉ rõ.

Công khai, minh bạch: “Vắc-xin” ngừa tham nhũng ảnh 1

Theo GS Bút, công khai quá trình hình thành các công trình là một trong năm lĩnh vực phải triệt để công khai thông tin. Ảnh minh họa: HTD

Nguy hiểm với công khai hình thức

GS Trần Đình Bút nhìn nhận việc công khai hiện nay còn nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn rất hình thức. Minh chứng cho tình hình này, PGS-TS Bùi Đức Kháng, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), ví dụ: “Như tình hình tuyển dụng cán bộ của ta hiện nay, nhiều nơi cũng công khai số lượng, vị trí, tiêu chí… đầy đủ cả. Thế nhưng thực ra bên trong đã được sắp sẵn bằng con đường không chính thống”.

Ông Lê Hiếu Đằng dẫn thêm ví dụ về tình hình đấu thầu hiện nay còn tù mù nhiều vấn đề và tham nhũng cũng núp dưới chiêu bài “công khai” này. “Nếu giám sát không tới về các quy trình công khai hiện nay thì tham nhũng có thể đục thủng ngay ở đây. Tham nhũng có thể lợi dụng ngay những biện pháp chúng ta dùng để phòng, chống nó” - ông Đằng cảnh báo.

Báo cáo Tổng kết công tác PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Một số quy định về minh bạch trong thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử theo quy định của Nghị quyết Trung ương 3 và Luật PCTN chưa được triển khai đầy đủ; tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật Nhà nước còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập hiệu quả thấp, mang tính hình thức; tác dụng thông qua kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập để quản lý cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng là không thực tế vì kê khai tài sản không có cơ sở để đánh giá, thẩm định, không được công khai; diện kê khai tài sản, thu nhập quá rộng…

Năm lĩnh vực bức thiết cần công khai, minh bạch

Nói về giải pháp để thực hiện công khai, minh bạch nhằm phòng ngừa tham nhũng, ông Đằng cho rằng cần phải tạo được một môi trường dân chủ, các quyền được biết, được thông tin của người dân cần phải được tôn trọng. Mặt bằng chung là người dân hiện nay vẫn chưa thực sự tiếp cận được với các thông tin đủ để giám sát nhằm phát hiện sai phạm của cán bộ, công chức. “Thậm chí có nơi người ta còn cố tình sử dụng quyền lực của mình để “mật hóa” các thông tin đó nhằm kiếm chác hoặc che đậy khả năng có thể bị phát giác về những sai phạm của mình” - ông Đằng nhìn nhận.

Công khai, minh bạch: “Vắc-xin” ngừa tham nhũng ảnh 2

GS Trần Đình Bút bổ sung: Khi sự giám sát của cơ quan chính quyền, tổ chức đoàn thể còn yếu thì phải để sức mạnh nhân dân vào cuộc, đúng như tinh thần trọng dân chủ mà Nghị quyết XI của Đảng đã xác định. “Người dân hiện nay cảm nhận rất rõ về thực trạng tham nhũng nhưng ít ai dám lên tiếng. Muốn cho dân mạnh dạn lên tiếng thì Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm “làm cho dân biết”. Vì dân có biết thì dân mới bàn, mới kiểm tra” - GS Bút phân tích.

Theo GS Bút, trước mắt có năm lĩnh vực bức thiết cần triệt để công khai thông tin để từ đó chống được tham nhũng. Đó là: Công khai chi tiết thu chi ngân sách; công khai quá trình hình thành các công trình; công khai việc kê khai tài sản của các quan chức nhà nước; công khai việc khen thưởng huân chương, công khai việc cấp các bằng cấp. “Đây chính là những lĩnh vực hiện nay đang có nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng gây ra bao bức xúc cho xã hội. Ta cứ khoanh vùng trước mà làm cho đàng hoàng năm lĩnh vực này thì sẽ góp phần không nhỏ để chống tham nhũng” - ông nhấn mạnh.

Tiếp tục công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định.

(Trích Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng)

Phải chịu sự giám sát

Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải làm sao để có một hệ thống lành mạnh, nói cách khác là phải có công khai, minh bạch, giải trình. Ví dụ, quy hoạch đất đai phải công khai, lấy đất làm gì cũng phải công khai. Thứ hai là phải minh bạch, ví dụ người nào xin đất thì phải rõ ràng. Đặc biệt là trách nhiệm giải trình - tức là cấp trên phải trả lời, giải thích xem việc đó như thế nào khi người dân có nhu cầu được biết.

Một trong những điều kiện chủ yếu để có công khai, minh bạch, giải trình chính là giám sát. Bất kể một hoạt động nào của các cơ quan công quyền đều phải chịu sự giám sát. Giám sát ở đây không phải là tò mò, không phải moi móc mà do luật quy định, ví dụ như giám sát của QH, MTTQ, HĐND và của người dân.

PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH
(Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển)

Đ.MINH ghi

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm