Chống tham nhũng: "Thay tướng" chưa đủ

Chống tham nhũng: "Thay tướng" chưa đủ ảnh 1
Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu QH về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong năm qua. Theo đánh giá của Chính phủ, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác PCTN còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng… Vì sao công cuộc PCTN của chúng ta lại chưa hiệu quả như mong muốn? Phải chăng cơ chế chống tham nhũng mà cụ thể là mô hình ban chỉ đạo PCTN của ta đang có vấn đề? Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Nguyễn Đình Quyền(ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, về câu chuyện dài này.

“Qua năm năm thực hiện Luật PCTN, kết quả rõ nhất là PCTN đã vào tiềm thức của người dân và nhất là bộ máy nhà nước. Nếu như trước đây, nói tham nhũng nhiều quá có khi là nhạy cảm thì giờ tất cả các cấp đều thừa nhận đó là quốc nạn, là nguy cơ tồn vong của chế độ” - TS Nguyễn Đình Quyền nhận định.

Ban chỉ đạo chủ yếu chỉ tuyên truyền

. Ngần đấy năm triển khai Luật PCTN, mô hình, tổ chức ban chỉ đạo (BCĐ) PCTN vẫn là điều gây tranh cãi, thưa ông?

+ Theo lý thuyết tổ chức mà nói, cơ quan nhà nước nào cũng tuân thủ và thực hiện tốt pháp luật, với đầy đủ tinh thần và giá trị của từng chế định pháp lý thì chẳng cần chỉ đạo mọi việc đã tốt hơn rất nhiều. Tổ chức nào cũng công khai, minh bạch; quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp quy, pháp luật nào cũng sáng rõ như lòng bàn tay để mọi người dân soi xét thì làm gì còn nguy cơ tham nhũng, làm gì đến mức độ Nhà nước không nuôi nổi bộ máy công quyền để họ phải “túng làm liều”. Cơ quan tố tụng cũng vậy, cứ độc lập, khách quan, đúng chức trách mà làm thì oan sai, bỏ lọt đâu đến mức gây bức xúc…

Ở ta có một nét đặc thù: việc gì khó, mang tính đa ngành thì thường lập BCĐ. Nhưng thực tiễn hoạt động các BCĐ PCTN thời gian qua cho thấy bên cạnh một số việc làm được thì cũng xuất hiện nhiều bất cập. Quy định về hoạt động của BCĐ cho đến nay vẫn xoay quanh mấy từ chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, phối hợp nhưng nội hàm thế nào chưa rõ. Có nơi BCĐ cho rằng mình chưa làm được việc vì ít quyền quá. Có nơi “nhiệt tình” quá, chỉ đạo, can thiệp cả vào hoạt động của cơ quan tố tụng. Cơ quan tố tụng do đó có lúc ỷ lại, cứ đẩy việc lên ban, bảo gì làm nấy và cũng có lúc mâu thuẫn với BCĐ.

. Giám sát của QH thời gian qua thấy vấn đề này thế nào?

+ Nhìn chung hiệu quả rất thấp. Tỉnh nào cũng nói rất lúng túng, không hình dung được công việc của mình. Thậm chí có người là ủy viên thường trực, thậm chí phó BCĐ còn cho rằng nên giải tán ban cấp tỉnh. Họ bảo chức năng, thẩm quyền thế này thì chủ yếu tổng hợp số liệu, báo cáo chứ làm được gì! Về tổ chức, định khung bộ phận giúp việc BCĐ bảy biên chế, có nơi đã phình ra tới 20 nhưng hiệu quả cũng không bao nhiêu. Công việc của họ chủ yếu là tuyên truyền, triển khai các văn bản cụ thể về PCTN.

Chống tham nhũng: "Thay tướng" chưa đủ ảnh 2

Các cá nhân có thành tích xuất sắc nhận hoa và tặng phẩm tại hội nghị biểu dương trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Hà Nội năm 2011. Ảnh: TTXVN

Trước khi QH thông qua Luật PCTN, dự thảo có cả phương án lập BCĐ cấp tỉnh. Tiến hành biểu quyết thì số ủng hộ, phản đối đều ngang nhau - 100 phiếu và đều thiểu số, nên Luật PCTN ban đầu không có cấp này. Nhưng rồi Trung ương với mong muốn sớm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng đã quyết định lập ban cấp tỉnh, nên sau đó QH sửa luật theo hướng này. Chúng ta đã tổ chức ở tất cả 63 tỉnh, thành nhưng tự bản thân họ thấy không ổn, tôi nghĩ là cần đánh giá lại.

Chưa thúc đẩy phát hiện, xử lý tham nhũng

.Gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất cần “thay tướng” BCĐ cấp tỉnh, từ chủ tịch UBND sang bí thư hoặc chủ tịch HĐND. Đây có phải là giải pháp?

+ Không hẳn. Trước hết phải trả lời câu hỏi việc PCTN có cần BCĐ cấp tỉnh không. Hay chỉ cần cấp ủy địa phương đặc biệt tăng cường trách nhiệm các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, chú trọng thực thi công khai, minh bạch trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn và thực sự dùng cơ chế giám sát của cơ quan dân cử, của người dân để trị những người chưa làm tốt.

Còn nếu vẫn quyết là phải có BCĐ cấp tỉnh thì rõ ràng mô hình, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy như hiện nay là không ổn.

. Theo dõi các báo cáo PCTN của Chính phủ thì thấy từ khi có Luật PCTN đến nay, số lượng vụ án tham nhũng bị phát hiện ngày càng giảm. Nguyên nhân do bất cập của mô hình BCĐ cấp tỉnh hay nguyên nhân gì khác?

+ Tôi không đủ cơ sở để nói BCĐ cấp tỉnh cản trở nhưng có thể nói họ chưa thúc đẩy phát hiện, xử lý án tham nhũng. Hồi mới có luật, cơ quan tố tụng các cấp đã phát hiện một số vụ tham nhũng rất đình đám nhưng rồi quá trình xử lý có nhiều ý kiến khác nhau và kết quả, người dân thấy “đầu voi đuôi chuột”. Về sau này số vụ tham nhũng được phát hiện, điều tra chủ yếu là nhỏ, dưới xã, huyện và có những địa phương cả năm chẳng phá được vụ nào hoặc chỉ lác đác 1-2 vụ. Trong khi đó, những vụ thất thoát lớn như Vinashin thì mãi về sau mới nói là có tham nhũng… Vậy thì phải tổng kết nghiêm khắc xem hiện tượng này phải chăng do cấp ủy các nơi nương tay hay tại trước đây ta tuyên truyền nhiều quá, khiến người dân kỳ vọng rồi lại thất vọng.

Nhấn mạnh chế độ trách nhiệm

. Vậy theo ông, để thúc đẩy công tác PCTN trong thời gian tới, mấu chốt là gì?

+ Là phải đột phá vào công tác cán bộ, nhấn mạnh chế độ trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Yếu kém nhất của nền hành chính nước ta là trách nhiệm không rõ ràng. Bàn việc có thể tập thể nhưng quyết định là cá nhân, thành công hay thất bại người đó đều chịu trách nhiệm hết. Kèm theo chế độ trách nhiệm là chế độ đãi ngộ đầy đủ với bộ máy công quyền.

11.400 tỉ đồng là tổng thiệt hại do tham nhũng gây ra tính từ tháng 8-2010 đến tháng 7-2011, đã thu nộp ngân sách 300 tỉ đồng.

(Theo Báo cáo về công tác PCTN năm 2011 của Chính phủ)

Cũng cần thảo luận rộng rãi, tạo đồng thuận, nhất là từ phía các cơ quan nhà nước, trong việc đãi ngộ với người đấu tranh với tham nhũng. Thời gian qua chúng ta có biểu dương nhưng chưa đủ. Cần mạnh dạn sử dụng, bổ nhiệm những người dám tố giác tham nhũng. Với người đưa hối lộ nhưng dám tố giác, cần mạnh dạn sửa luật miễn trách nhiệm hình sự hoặc coi đó là không phạm tội. Hồi QH chuẩn bị thông qua BLHS năm 1999, lấy phiếu thăm dò có hơn 40% đại biểu ủng hộ phương án không truy cứu trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ nhưng đã tố giác, nên tôi nghĩ đồng thuận xã hội với vấn đề này không khó.

Tất nhiên để làm được những việc đó thì trước hết phải tổng kết thực sự nghiêm túc Luật PCTN và Nghị quyết Trung ương 3. Có vậy mới đề ra được giải pháp, bước đi cụ thể cho vấn đề phức tạp, khó khăn này.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều nội dung đã được lược đi

Dự thảo Luật PCTN khi Chính phủ trình sang QH năm (2005) chi tiết hơn nhiều so với khi luật ban hành. Tôi nhớ lúc ấy QH đã lược gần 20 điều là những điều khoản được xây dựng với kỳ vọng đưa một số nội dung của Công ước Liên Hiệp quốc về chống tham nhũng vào áp dụng ở VN, cho dù hồi đó ta chưa phê chuẩn. Lý do phải lược đi vì cho dù mục đích thì tốt nhưng làm thế không được, bởi các quy định ấy đều trái với những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật VN mà nếu muốn áp dụng thì phải sửa đổi hàng loạt luật khác.

Chẳng hạn, nguyên tắc tố tụng của ta là nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc cơ quan nhà nước thì không thể áp dụng nghĩa vụ giải trình về tài sản bất minh như Công ước được. Vấn đề điều tra chung với trường hợp tội phạm tham nhũng xuyên quốc gia cũng không được, vì nguyên tắc của ta, tư pháp là chủ quyền tuyệt đối. Rồi công khai tài sản của quan chức như Công ước thì với ta cho đến nay vẫn coi đây là bí mật cá nhân. Còn tham nhũng trong lĩnh vực tư thì QH cho rằng trước mắt nên tập trung PCTN trong khu vực công…

TSNGUYỄN ĐÌNH QUYỀN

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm