Mong QH mổ xẻ tình trạng lạm phát và tham nhũng

Đó là một trong những nội dung trong Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc vào hôm nay, 20-10. Trong đó, cử tri và nhân dân cho rằng tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất công còn diễn ra ở nhiều nơi…

Để ngăn chặn tình trạng trên, cử tri và nhân dân kiến nghị QH, Chính phủ quan tâm hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác PCTN, lãng phí. Đặc biệt, cần triển khai nghiêm túc nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập để nhân dân có cơ sở để giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng.

Đối với việc quản lý giá, nhất là xăng dầu, Ủy ban Trung ương MTTQ cho rằng việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua không được sự đồng tình của nhân dân. Nhân dân hiện cũng đang rất lo lắng trước dự kiến tăng giá của ngành điện. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ có giải pháp quản lý, điều hành giá xăng dầu, giá điện một cách hiệu quả; không vì lợi ích cục bộ của DN mà ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Mong QH mổ xẻ tình trạng lạm phát và tham nhũng ảnh 1

Việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua không được sự đồng tình của nhân dân. Ảnh: HTD

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các chương trình an sinh xã hội...

Riêng đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cử tri và nhân dân cho rằng tình trạng đầu tư ngoài ngành, nhất là vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sớm chấm dứt tình trạng này; đồng thời chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, DN nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Vạch rõ nguyên nhân của tham nhũng

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, tôi thấy hai vấn đề chính mà cử tri và người dân quan tâm, mong muốn QH thảo luận để có những giải pháp phòng, chống hiệu quả là tình trạng tham nhũng và lạm phát.

Cử tri cho rằng công tác PCTN và xử lý các vụ tham nhũng thời gian qua chưa hiệu quả dẫn tới tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn diễn ra phổ biến và tràn lan ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Vì thế, theo tôi, trong kỳ họp này, QH cần nghiên cứu kỹ báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, thảo luận, tìm rõ nguyên nhân tham nhũng ở đâu, ở lĩnh vực nào, vì sao tham nhũng còn nhiều… Từ đó, có những giải pháp căn cơ để công tác PCTN thực sự hiệu quả, tạo niềm tin đối với cử tri và nhân dân.

Cử tri cũng mong muốn QH thảo luận, phối hợp với Chính phủ đề ra những giải pháp chống lạm phát hiệu quả. Vì lạm phát có giảm thì đời sống người dân, nhất là những người làm công ăn lương, mới được đảm bảo. Ngoài ra, tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến giá xăng dầu, nhất là việc quản lý quỹ bình ổn cũng cần được quan tâm để làm sao việc sử dụng quỹ đó đúng và trúng.

Đại biểu CAO SỸ KIÊM (Thái Bình)

Tái cấu trúc nông nghiệp để giảm lạm phát

Hiện nay nền nông nghiệp của chúng ta đang có rất nhiều bất cập, chẳng hạn như việc nông dân sản xuất ra vải, nhãn, rau, hoa quả… nhưng lại không biết bán cho ai và nhiều khi lại lệ thuộc vào sức mua của nước ngoài.

Bên cạnh đó, nông dân là những người trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng hưởng lợi lại chẳng đáng là bao vì bị tư thương ép giá. Ví như hiện nay, bình thường 1 kg bắp cải nông dân bán tại chợ chỉ được 2.000 đồng. Cũng 1 kg bắp cải đó được tư thương mua và đem ra chợ bán đã được đẩy lên 8.000-10.000 đồng. Chính việc đẩy giá này là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao trong những năm qua.

Do đó, tôi cho rằng QH kỳ này cần phải thảo luận kỹ các vấn đề về tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Nếu chúng ta đề ra được những giải pháp hợp lý, sao cho chênh lệch giá mớ rau từ cánh đồng ra chợ không còn cao như hiện nay nữa thì chắc chắn mức độ lạm phát sẽ giảm.

Đại biểu BÙI THỊ AN (Hà Nội)

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm