Dự thảo lần 2 Báo cáo Chính trị ĐH Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI
Thành ủy TP.HCM vừa có dự thảo (lần 2) Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến của cán bộ lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TP góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo (lần 2) báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, hôm 6-6. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM.
Theo dự thảo báo cáo chính trị, chủ đề của đại hội là: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Báo cáo chính trị được chia làm ba phần chính. Phần thứ nhất nói về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X. Phần thứ hai nêu lên mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP, xây dựng hệ thống chính trị TP nhiệm kỳ 2020-2025. Phần thứ ba là bốn chương trình phát triển TP.HCM 2020-2025/2030.
Về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020, báo cáo chính trị nêu rõ với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, TP đã đạt được nhiều thành tựu trên từng lĩnh vực. TP đã giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước với đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra (8,3%/năm)... 11/13 chỉ tiêu nhiệm kỳ đạt và vượt kế hoạch.
Việc thực hiện 7 chương trình đột phá đã góp phần vào sự phát triển của TP. Trong đó, đáng chú ý chương trình giảm ngập nước đạt được những kết quả nhất định từ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông có nhiều nỗ lực, tai nạn giao thông được kéo giảm qua các năm và ùn tắc giao thông tiếp tục được kiềm chế và từng bước cải thiện. Tuy nhiên, mức độ hoàn thành của một số chương trình đột phá còn hạn chế.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động Nhân dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP.HCM xây dựng bốn chương trình phát triển giai đoạn 2020-2025/2030, gồm: ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển.
Ba chương trình đột phá, gồm: Đột phá đổi mới quản lý, đột phá phát triển hạ tầng, đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Trong mỗi chương trình đột phá đều có rất nhiều đề án cụ thể, như trong đột phá đổi mới quản lý TP.HCM có đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho TP.HCM giai đoạn 2021-2030; đề án không tổ chức HĐND ở các quận, phường trên địa bàn TP; đề án thành lập thành phố phía Đông và chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030...
Chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM. Trong đó có các chương trình cụ thể như: chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông; đề án du lịch thông minh; chương trình liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long; đề án phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đây có thể nói là bốn vấn đề cốt lõi, thuộc 3 vấn đề đột phá của Trung ương. Do đặc thù của TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nên TP xây dựng thêm chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thực hiện 4 nhóm giải pháp này có 47 đề án, chương trình thành phần, trong đó có những nội dung như quy hoạch, xây dựng kế hoạch chiến lược không tốn kém nhiều kinh phí. Đối với các chương trình, đề án còn lại, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước, thông qua hợp tác công tư và khuyến khích tư nhân đầu tư.