TP.HCM công bố dự thảo báo cáo chính trị ĐH Đảng bộ lần XI
Chiều 28-12, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM công bố dự thảo. Ảnh: TỰ SANG
Tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đã công bố dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, dự thảo báo cáo chính trị nêu lên chủ đề của đại hội là “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng mọi thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Báo cáo chính trị được chia làm ba phần chính. Phần thứ nhất nói về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X. Phần thứ hai nêu lên mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP, xây dựng hệ thống chính trị TP nhiệm kỳ 2020-2025. Phần thứ ba là bốn chương trình phát triển TP.HCM 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Trần Lưu Quang, trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TP đã đạt được nhiều thành tựu trên từng lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. TP.HCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước với đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bằng 2,7 lần so với cả nước. Thu ngân sách năm 2019 là 402.000 tỉ đồng nhưng tỉ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao đã gây áp lực khá lớn cho ngân sách TP.HCM.
Ông Trần Lưu Quang cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu song thực tế chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Về bảy chương trình đột phá đã góp phần vào sự phát triển của TP.HCM. Trong đó, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao toàn diện trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chương trình cải cách hành chính mang lại hiệu quả thiết thực, ngày càng đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp...
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến, vừa giải quyết cải tạo, chỉnh trang khu vực bên trong nội thành, vừa giải quyết về đầu tư và nâng cao chất lượng theo hướng văn minh, hiện đại.
Chương trình giảm ngập nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả nhất định, bước đầu góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phòng chống ngập úng khu dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông có nhiều nỗ lực và tiến bộ, tai nạn giao thông được kéo giảm qua các năm, ùn tắc được kiềm chế và từng bước được cải thiện.
Chương trình giảm ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực, từng bước kiểm soát và có giải pháp khắc phục ô nhiễm... đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ông Quang khẳng định mức độ hoàn thành của một số chương trình đột phá còn hạn chế.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân, ông Quang cho biết đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị được củng cố, họat động ngày càng hiệu quả; cán bộ, đảng viên tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; lòng tin trong nhân dân từng bước được củng cố, đóng góp quan trọng vào sự ổn định, bảo vệ và phát triển TP.
Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Điều này tạo chuyển biến tích cực, góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TỰ SANG
Về các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, dự thảo báo cáo chính trị đưa ra tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm khoảng 8,5%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người (giảm so với nhiệm kỳ trước - 9.800 USD/người - PV). Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP...
TP.HCM cũng phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về PAPI, PCI và PAR-index.
Nhiều nhiệm vụ và giải pháp năm năm tới 2020-2025 cũng được đưa ra. Cụ thể như phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế làm nền tảng cho TP phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đổi mới quản lý TP.HCM...
TP.HCM cũng sẽ tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Trong đó, quan điểm của TP là kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn suy thoái lý tưởng, đạo đức, tự diễn biến và tham nhũng.
Về các chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ông Trần Lưu Quang cho biết để hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ mới, TP đưa ra ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển.
Ba chương trình đột phá gồm: Đột phá đổi mới quản lý, đột phá phát triển hạ tầng, đột phá quản lý nhân lực và văn hóa. Trong mỗi chương trình đột phá đều có rất nhiều đề án cụ thể, như trong đột phá đổi mới quản lý TP.HCM có các đề án như chính quyền đô thị, xây dựng thành phố thông minh, đề án chuyển đổi số...
Chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM. Trong đó có các chương trình cụ thể như phát triển giống cây, liên kết phát triển du lịch, đề án hợp tác các ngân hàng...
Ngay sau đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có phát biểu. Ông khẳng định kinh tế TP.HCM đóng góp hơn 20% GDP cho cả nước, cho nên giữ được vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trong số 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Đại hội X Đảng bộ TP đã đề ra, bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết dự báo cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu. Một chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch là GRDP bình quân đầu người 9.800 USD. Ông Nhân cho rằng một trong những lý do làm cho chỉ tiêu này không đạt là do dự báo dân số thấp hơn so với thực tế hiện nay.
"Một chỉ tiêu chưa đánh giá được là năng lực quản lý bộ máy chính quyền phấn đấu nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Đây là điều mà TP.HCM day dứt nhất" - bí thư Thành ủy chia sẻ.