Với mong muốn mang đến cho khán giả cái nhìn chính xác hơn, nhiều chiều hơn xung quanh phóng sự “Phim Linh hồn Việt cộng - một nửa sự thật ở đâu” của Đài truyền hình Gia Lai, phóng sự cho rằng êkip làm phim đã dàn dựng nhiều chi tiết không có thật…, chúng tôi đã tìm đến nhà văn Minh Chuyên để hiểu rõ hơn về những sự thật trong quá trình làm phim Linh hồn Việt cộng cũng như những câu chuyện đằng sau những thước phim tài liệu. Hy vọng, quí vị sẽ hiểu hơn về bộ phim, về quá trình làm phim.
"Là một cựu binh, nhà văn hơn 30 năm chỉ chuyên tâm viết về hậu quả chiến tranh, về thương binh liệt sỹ, tôi xin đảm bảo rằng toàn bộ nội dung của bộ phim "Linh Hồn Việt Cộng" là sự thật. Đúng là có những trường đoạn nói chưa hết sự thật nhưng là bởi sự thật nói ra nhiều khi lại vô cùng nghiệt ngã.
Chuyện "Người không cô đơn và thủ tục làm người còn sống" của tôi, vì nói ra hết sự thật mà bao người phải liên lụy khổ đau. Sự thật, anh Trần Quyết Định trong tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống" in trên báo văn nghệ tháng 5 năm 1988, bị thương tật. Nhưng có người bảo anh không bị thương. Nhiều tờ báo "cứu" sự thật vì anh. Nhưng phải mất 19 năm sau (ngày 27/7/2007) anh Trần Quyết Định mới được lĩnh sổ thương binh thật. Sự thật là thế đó.
Là đạo diễn phim tài liệu "Linh hồn Việt cộng", khi theo gia đình của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm vào Gia Lai, tôi đã tiếp cận và được chứng kiến sự thật, khó nói vô cùng, nhất là nói trong bộ phim đang làm. Là người có mặt trong suốt chuyến đi đón hài cốt liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm cùng 4 cựu binh Mỹ và các em của liệt sỹ, tôi được chứng kiến cảnh tượng các em của liệt sỹ là Hoàng Ngọc Lượng, Hoàng Ngọc Cát, Hoàng Minh Diệu, Hoàng Thị Tươi chạy vạy vất vả tìm gặp các cơ quan chính sách ở địa phương để được mang hài cốt của anh mình về quê hương vì hài cốt đã được nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng xác định đúng vị trí, ở nghĩa trang Azul Pa.
Đây là lần thứ 2 gia đình vào. Gia đình đã tới phòng lao động thương binh Azul Pa gặp bà Nga, gặp bà Phú lãnh đạo phòng thương binh. Phòng cử cán bộ dẫn gia đình tới gặp ông Minh quản trang. Gia đình trình bày xin được đào hài cốt Hoàng Ngọc Đảm trên ngôi mộ đã được xác định trong nghĩa trang. Nhưng do chưa làm đủ thủ tục nên cuối cùng gia đình phải đào trộm hài cốt của anh mình.
Trong khi gia đình bí mật đào mộ, đoàn làm phim chúng tôi chờ ở bên ngoài. Ngày hôm sau khi đưa hài cốt liệt sỹ ra, theo yêu cầu của cựu binh Mỹ Homer, gia đình đưa hài cốt liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm lên quả đồi, Homer xác định là đồi 467 nơi ông ta bắn chết liệt sỹ Đảm để làm lễ khâm liệm. Quả đồi đó gần đèo Măng Giang thuộc tỉnh Gia Lai đúng như bộ phim đã thể hiện. Và chúng tôi đã quay phim toàn bộ cảnh gia đình và cựu binh Mỹ Homer làm lễ khâm niệm, bái vong liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm tại đây. Sau đó, mọi người đưa hài cốt tới một vị trí khác cũng ở quả đồi này để Homer làm lễ rước hồn (theo yêu cầu của Homer). Nhưng không may, một cơn lốc đã nổi lên làm chiếc máy quay phim Betacam (trị giá gần 1 tỷ đồng của VTV) do anh Quang Huy quản lý bị đập vỡ đầu máy quay và 4 chiếc máy ảnh của anh em trong đoàn bị liệt không sử dụng được. (Chuyện này đã được nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên tâm sự trước khi Linh hồn Việt cộng được chiếu lại -PV).
Trước khi đưa hài cốt Liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm về Thái Bình, gia đình liệt sỹ đã vào tỉnh đội Gia Lai làm việc và tặng quà, tặng ảnh liệt sỹ Đảm cho tỉnh đội.
Liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm đã chết trong tư thế tấn công kẻ thù và cái chết còn mang cả nỗi oan nghiệt suốt 39 năm qua, nên gia đình quyết định bằng mọi cách phải đưa được hài cốt của người anh trở về, anh Hoàng Ngọc Lượng, Hoàng Minh Diệu và Hoàng Ngọc Cát - em liệt sỹ Đảm cho biết là các anh đã đào kiểu hàm ếch đưa hài cốt ra ngoài còn chiếc tiểu sành và hai viên gạch đậy tiểu vẫn để lại rồi lấp đất lên. Bên trên ngôi mộ xây vẫn còn nguyên.
Trong khi đó, bộ phim chủ yếu nói về nhân nghĩa con người, lòng vị tha và sự sám hối ân hận của người cựu binh Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước một vấn đề lớn về thân phận con người về nghĩa cử tình người cao thượng, nên chúng tôi đã tránh không đưa mặt trái tiêu cực trong việc đào trộm mộ vào phim. Vì thế bối cảnh phim diễn ra sự thật ở Azul Pa đã phải thay thế đến một địa điểm như trên.
Đó cũng là việc đau lòng bắt buộc chúng tôi phải chuyển địa điểm quay phim (vì gia đình đào mộ trộm, không quay được ở chỗ đào thực tế). Phải tái hiện hình ảnh trong điều kiện phim tài liệu cho phép.
Gia đình liệt sỹ và bản thân chúng tôi thực lòng không muốn nói nhưng rồi bắt buộc phải nói ra sự thật nghiệt ngã này. Một chiến sỹ anh dũng hy sinh, ngôi mộ vô danh của anh đã được gia đình xác định đúng, mà phải đào trộm đau lòng lắm chứ. Là một cựu chiến binh, một nhà văn của thời hậu chiến,tôi xin trân trọng gửi tới quý vị và bạn đọc lời tâm huyết về một sự thật như trên và một lần nữa khẳng định nội dung phim "Linh hồn việt cộng" là hiện thực.
Xin chân thành cám ơn
VTV Ghi theo lời của Nhà báo - nhà văn Minh Chuyên