40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17-2-1979 - 17-2-2019)

Nhìn thẳng vào lịch sử để phát triển đất nước trong hòa bình

Nhân dịp 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Học viện Quốc phòng) để nhìn sâu hơn về cuộc chiến này và những giá trị, bài học rút ra từ đó nhằm xây dựng những quan hệ hòa bình trong hiện tại cũng như tương lai cho đất nước.

 Đây là cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa của Việt Nam 

.Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, sau 40 năm cuộc chiến ngày 17-2-1979, ông nhìn nhận bản chất của cuộc chiến này là gì?

+ Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Việc bất ngờ sử dụng lực lượng quân sự rất lớn với hơn 600.000 quân tấn công vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn bộ tuyến biên giới Trung - Việt sáng 17-2-1979 cho thấy đây là một hành động xâm lược.

Trung Quốc giải thích bản chất của cuộc chiến năm 1979 là "cuộc phản kích tự vệ của Trung Quốc"... tìm cách "đổi đen, thay trắng" xuyên tạc bản chất của cuộc chiến là điều không thể chấp nhận được.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành. 

. Theo ông, chúng ta cần làm gì để công luận hiểu đúng về bản chất cuộc chiến như ông nói trên đây?

+ Để các thế hệ người dân Việt Nam hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của cuộc chiến, cần thiết phải đưa vấn đề này vào trong các sách giáo khoa, giáo trình, đưa vào nội dung chương trình giáo dục ở các cấp. Điều đó cũng giúp cho nhân dân thế giới và chính nhân dân Trung Quốc hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất cuộc chiến năm 1979”.

. Thưa thiếu tướng, đứng ở góc độ một nhà quan sát, ông có thể nói rõ giá trị lịch sử từ cuộc chiến này?

+  Cuộc chiến đấu vệ quốc năm 1979 đã để lại nhiều giá trị lịch sử, trong đó theo tôi cần chú ý 3 giá trị sau đây.

Thứ nhất, cuộc chiến vệ quốc của quân và dân ta năm 1979 trước Trung Quốc là một cuộc chiến chính nghĩa. Nó đã chứng minh truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, quyết không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ một kẻ thù nào dù chúng có đông đúc, hùng hậu, hung dữ đến đâu.

Thứ hai, nổi bật lên tinh thần chiến đấu của các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam. Trong tương quan so sánh lực lượng so với quân Trung Quốc rất chênh lệch, nhưng quân và dân ta đã chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm, anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là các lực lượng vũ trang địa phương trong thời kỳ đầu cuộc chiến.

Thứ ba, những hy sinh, tận hiến của các lực lượng vũ trang và nhân dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 là những giá trị lịch sử cần được tiếp tục lưu giữ, tôn vinh, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam.

Xây dựng đất nước đoàn kết, giàu mạnh

.Thưa ông, chiến tranh luôn gây ra những tổn thất cho đất nước và nhân dân hai phía. Vậy phải làm sao để duy trì, gìn giữ các giá trị hòa bình?

+ Nhân dân các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều căm ghét chiến tranh, yêu chuộng hòa bình.

Để trong tương lai đất nước ta tránh được các cuộc chiến tranh, theo tôi cần làm được mấy điều quan trọng sâu đây:

Cần luôn xây dựng và gìn giữ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Trong ảnh: Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên, thị xã Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Một là đất nước ta phải có thực lực giàu mạnh. Chúng ta phải xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, từ giàu mạnh về kinh tế để vững mạnh về quốc phòng, quân sự. Bởi nếu đất nước suy yếu về kinh tế thì kéo theo sự yếu kém về quốc phòng, quân sự, trở thành nơi dòm ngó cho những kẻ có dã tâm.

Hai là tầng lớp lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước phải có năng lực tư duy mạnh. Tư duy mạnh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải luôn luôn nhận thức đúng đối tác và đối tượng, mối quan hệ và khả năng chuyển hóa giữa chúng trong những tình huống lịch sử cụ thể để có biện pháp xử lý đúng đắn, không để Tổ quốc bị bất ngờ.

Ba là phải xây dựng được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải tạo được sự đồng thuận, đồng lòng, đồng tâm giữa nhân dân và hệ thống chính trị, lấy đó làm cốt lõi sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Nếu lực lượng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước bị suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chỉ lo vơ vét vì lợi ích cá nhân, phe nhóm... thì nhân dân sẽ mất niềm tin, bị chia rẽ giữa trên và dưới, kẻ thù sẽ lợi dụng sự suy yếu bên trong để thực hiện dã tâm.

Bốn là lấy sức mạnh chính nghĩa của nền quốc phòng hòa bình, tự vệ để tiếp nhận sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Sức mạnh tổng hợp của những điều trên đây sẽ làm cho những thế lực có ý đồ xâm lược Việt Nam phải chùn bước, không dám liều lĩnh tiến hành cuộc chiến tranh phiêu lưu, phi nghĩa.

.Dù sao đi nữa, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia nằm cạnh nhau. Theo Thiếu tướng, hai nước cần làm gì để thực sự “chung sống hòa bình”, tránh được những xung đột, chiến tranh như đã từng xảy ra trong lịch sử?

+ Thứ nhất là phía lãnh đạo Trung Quốc phải từ bỏ mọi âm mưu và hành động xâm hại nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam theo các Công ước của Liên hợp quốc.

Thứ hai là thiết lập được cơ chế kiểm soát quốc tế có hiệu quả đối với những tranh chấp đã và đang tồn tại để ngăn ngừa xảy ra xung đột vũ trang và chiến tranh.

Thứ ba là phải chấm dứt mọi sự tuyên truyền, xuyên tạc về tính chất, bản chất của cuộc chiến 10 năm (1979-1989) do lãnh đạo Trung Quốc gây ra trên biên giới Việt - Trung mà phía Trung Quốc vẫn gọi đó là "phản kích tự vệ chiến".

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc luôn luôn muốn chung sống hòa bình với nhau vĩnh viễn. Trách nhiệm xây dựng và thực hiện chung sống hòa bình phụ thuộc vào thiện chí, thiện tâm của cả hai quốc gia, dân tộc... nhưng trong bối cảnh hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào thiện chí, thiện tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc.

.Từ cuộc chiến tranh chống xâm lược năm 1979, chúng ta có thể rút ra những bài học nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình hiện nay?

 + Có nhiều bài học rút ra từ cuộc chiến tranh vệ quốc đó, nhưng tôi quan tâm tới mấy bài học sau đây.

Một là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các lực lượng vũ trang và nhân dân cũng phải luôn luôn cảnh giác, nắm chắc tình hình, không chủ quan, mơ hồ, nhận thức đúng về đối tác và đối tượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay.

Hai là, nhận thức đúng chiều dài, chiều sâu lịch sử mối quan hệ giữa hai quốc gia, dân tộc Việt Nam - Trung Quốc, kế thừa và phát triển tinh hoa nghệ thuật xử thế của ông cha ta để xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa hai nước hiện nay; kiên trì giải quyết những bất đồng băng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ba là, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết và trên hết.

Bốn là, xử lý hài hòa quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong nước để tạo nên sự đoàn kết, thống nhất từ bên trong, tạo sức mạnh nội sinh cả về tinh thần và vật chất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

.Xin cảm ơn Thiếu tướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm