Sự cảnh tỉnh cho người cầm bút

Trong đó mới nhất là một số ý kiến phản đối việc một vài tờ báo mạng cố tình câu view về sự xuất hiện của một video-clip tình cảm tự quay của hai sinh viên. Phản đối bởi lẽ ra sự việc không “nóng” như vậy nếu một số trang tin có đông người truy cập không cố tình “thổi” sự việc lên quá mức cần thiết bằng hình ảnh trích ra từ clip và những lời đồn đoán ỡm ờ mà thực chất để tăng thêm sự tò mò. Trên trang 4rums đã xuất hiện những lời kêu gọi mong mọi người không bình luận cũng như không phát tán clip của hai người. Còn T. và H., hai “diễn viên” bất đắc dĩ, đã phải đến thương lượng với một số trang mạng để gỡ hình ảnh và các ý kiến bình luận xuống.

Trước đó vài ngày là việc một số diễn đàn kêu gọi tẩy chay các bài báo về vụ án thương tâm đối với nhà báo Lê Hoàng Hùng. Tẩy chay vì họ đã quá “bội thực” vì các tin xào đi xào lại, đồn đoán về những khía cạnh của vụ việc mà chính... cơ quan điều tra cũng chưa nghĩ tới! Sự thức tỉnh của bộ phận bạn đọc ấy có giá trị như tiếng còi cảnh tỉnh một số người cầm bút chưa đầy đặn nhân tâm biết dừng lại, đừng khoét thêm nỗi đau cho gia đình đồng nghiệp.

Trên thực tế các clip, hình ảnh “tự biên, tự diễn” ở một bộ phận giới trẻ, hoặc các mối quan hệ riêng tư của mỗi cá nhân luôn luôn tồn tại. Nó chính là một vẻ của cuộc sống đang diễn ra, được cuộc sống điều chỉnh và chi phối theo các quy luật riêng và chung, bởi đơn giản họ chỉ là những người bình thường: có xấu, có tốt, có yêu, có ghét...

Trong khi đó phương tiện truyền thông, đặc biệt là các trang mạng, có sức mạnh là sự lan tỏa rộng khắp, tức thời trên nền tảng đa phương tiện. Vì thế một khi thứ vũ khí sắc bén này được chĩa vào những người bình thường, những người vốn chưa sẵn sàng đón nhận sự “nổi tiếng”, chắc chắn sẽ tạo ra tác động sâu sắc ngoài ý muốn.

Cho nên những phản ứng đầu tiên (dù chưa nhiều) của một số diễn đàn về những bài báo cụ thể cần được đáp trả bằng thái độ cầu thị từ giới cầm bút, trước khi những hậu quả khác diễn ra.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm