“GIÁO SƯ ĐỎ”, BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU - KỲ 1

Thần đồng hai lần xuất ngoại

Ông khai sinh trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là thầy của những nhà khoa học xã hội đầu đàn của Việt Nam.

Sinh ra trên đất Tầm Vu của Long An, quê hương của Nguyễn Thông, từ nhỏ Trần Văn Giàu học giỏi, nổi tiếng thần đồng. Thời đó, Tầm Vu chỉ có trường tổng Dương Xuân, dạy đến sơ học (tương đương lớp 3 ngày nay), hết sơ học ông Giàu học tiểu học ở Mỹ Tho.

Đặc cách học nhảy vào trường Tây

Theo những người cùng học kể lại, chưa học hết tiểu học nhưng do một bài luận văn xuất sắc, ông được đốc học Mỹ Tho xin cho đặc cách lên Sài Gòn học thẳng Trường Trung học Chasseloup Laubat (Trường Lê Quý Đôn ngày nay). Đây là trường dành riêng cho học sinh người Pháp, người Việt có quốc tịch Pháp. Chuyện một học sinh người Việt được đặc cách vào học ở đây là chưa có tiền lệ, chuyện chưa qua tiểu học, đặc cách học nhảy lớp vào trường này lại càng hiếm.

Vào năm 1926, học sinh cả nước bãi khóa, để tang chí sĩ Phan Chu Trinh như một làn sóng chính trị, những học sinh người Việt trường này cũng bãi khóa và viết lên bảng bốn chữ A.B.L.F, viết tắt câu “A bas les Français” (nghĩa là “Đả đảo thực dân Pháp”). Nhiều học sinh bị đuổi học, ông Giàu có tham gia nhưng thoát. Sau đó, tiếp xúc với Nguyễn An Ninh, tấm lòng yêu nước và con đường cách mạng của Nguyễn An Ninh đã tác động mạnh tới ông. Năm 1928, ông xin cha mẹ cho sang Pháp học với khát vọng lấy hai bằng tấn sĩ (tiến sĩ) về xứ làm thầy cãi, trạng sư. Gia đình ông Giàu theo nho học, yêu nước, sợ ông theo Tây học bị mất gốc nên cho phép ông du học với điều kiện phải hỏi vợ trước khi đi. Cô dâu là bà Đỗ Thị Đạo, cháu Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự (là hai thủ lĩnh địa phương hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân bị Pháp xử tử). Tương truyền, ông Phong có cái quạt bằng ngà voi, trước khi bị chém ông điềm tĩnh nói với đao phủ: “Mày ráng chém cho ngọt, tao thưởng cho mày cây quạt”. Ngôi nhà của Đỗ Tường Phong có 100 cây cột, kho lẫm lúa thóc chuẩn bị kháng chiến chất đầy, quân Pháp đốt cháy một tháng lửa mới tàn.

Cuộc lương duyên này khởi đầu cho quan hệ tình nghĩa thủy chung qua bao gian nan, thử thách mà ông Giàu ví như chuyện Vân Tiên - Nguyệt Nga thời đại. Tính từ lúc đính hôn (năm 1928) đến khi đoàn tụ sau hiệp định Genève (năm 1954) hơn 25 năm, số ngày họ sống chung nhau chưa đầy một tháng. Trong đó có những lúc cả hai cùng bị bắt, tù đày, tra khảo nhưng cả hai vẫn giữ lòng chung thủy, trung trinh tiết liệt.

Thần đồng hai lần xuất ngoại ảnh 1

GS Trần Văn Giàu ôn lại truyền thống hào hùng trong một dịp kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Thủ khoa Đại học Phương Đông

Ông đáp chuyến tàu Cap St. Jacques qua Marseille và theo học lớp đệ nhất (première) năm 1928-1929 ở Lycée Toulouse, miền Nam nước Pháp. Ông đậu tú tài phần I năm 1929 và học tú tài phần II, ban triết.

Toulouse, một thành phố có tiếng là có nhiều nhà chính trị tả khuynh, Trần Văn Giàu lãnh trách nhiệm dịch ra tiếng Việt các bài viết của Cộng sản Pháp để đăng trên tờ Cờ Đỏ, một tờ báo bí mật lưu hành trong giới binh sĩ Việt Nam bị đưa sang Pháp. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 5-1929. Năm 1930, tiếng vang của khởi nghĩa Yên Bái vọng tới nước Pháp. Ông gác lại ước mơ lấy hai bằng “tấn sĩ”, nhập cuộc đấu tranh. Ông thay mặt sinh viên Toulouse lên Paris tham gia cuộc biểu tình trước điện Élysée đòi giảm án tử hình cho 13 nghĩa sĩ Yên Bái. Cuộc biểu tình rất đông đã lôi cuốn cả nhiều người Pháp tham gia. Một số sinh viên bị bắt nhốt ở khám Santé, chính phủ Pháp không xét xử mà trục xuất họ trở về Việt Nam. Ngày 24-6-1930, ở bến Marseille, chiếc tàu Athos II đã đưa 19 sinh viên Việt Nam về nước, trong đó Trần Văn Giàu là người trẻ tuổi nhất.

Trở về Việt Nam, ông tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, làm giảng viên dạy chủ nghĩa Mác cho nhiều lớp thanh niên, ông cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam kỳ.

Đầu năm 1931, ông được xứ ủy cử đi du học. Bí mật rời Sài Gòn, ông sang Pháp cũng lại đi trên chiếc tàu Cap St. Jacques; từ Pháp qua Liên Xô, theo học Trường Đại học Phương Đông. Theo lời truyền tụng của người cùng thời, luận án tốt nghiệp của ông về “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương” được chấm điểm đầu trong khóa học này, thứ nhì là Tito (sau là tổng bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư) và hạng ba là Thereze (sau là tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp). Phần thưởng vinh dự cho ba vị tam khoa này là bức ảnh chân dung có bút tích đề tặng của Stalin.

“Giáo sư đỏ” trong tù

Năm 1933, ông bí mật trở về Sài Gòn trên chuyến tàu Félix Roussel. Cơ sở đảng ở miền Nam sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hầu như bị tan vỡ hết. Ông ra công gầy dựng lại Đảng bộ Nam kỳ và phát hành tờ báo bí mật Cờ Đỏ và cơ sở Cộng sản Tùng thơ. Cuối năm 1933, ông bị bắt ở Bà Hom (Bình Trị Đông) nhưng không đủ yếu tố buộc tội nên chỉ bị kết án năm năm tù treo. Tháng 4-1935, ông đã là bí thư xứ ủy, vừa đi dự đại hội ở Macao trở về, lại bị bắt, bị kết án năm năm đày đi Côn Đảo. Vụ án này được gọi là vụ “Complot Giàu - Dực”. Dực (còn có tên là Long) là con đại hương cả ở Kỳ Son (Tân An) cũng đi học ở Nga về. Lúc đó xứ ủy được Đảng Cộng sản Pháp gửi báo, sách, tài liệu theo các chuyến tàu khách và tàu hàng. Dực bị bắt và khai, làm Tây bắt khá nhiều đồng chí, trong đó có thuyền trưởng Deschamps và ông Giàu. Trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của nhà tù, ông đã trở thành “giáo sư đỏ” huấn luyện chính trị cho nhiều lớp cán bộ cốt cán của Đảng.

Tháng 5-1940, mãn hạn tù Côn Đảo, ông trở về đất liền chỉ được chín ngày thì bị bắt trở lại và giam ở trại tập trung Tà Lài.

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ngay khi còn học tại Trường Đại học Phương Đông mang tên Lênin ở Moskva, ông đã tham gia soạn thảo và chấp bút cho một số văn kiện quan trọng của Quốc tế Cộng sản có liên quan đến việc chỉ đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1935 đến năm 1941, suốt gần bảy năm trong nhà tù đế quốc, lúc ở Khám Lớn (Sài Gòn), khi ở Côn Đảo và trong trại tập trung Tà Lài, Trần Văn Giàu thường xoay trần trên nền xi măng của xà lim cặm cụi, bí mật soạn ra hàng chục tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Vượt qua sự rình rập, đòn roi khủng bố của mật thám, vị “giáo sư đỏ” ngày ấy đã hăm hở tham gia giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng ở trong tù, góp phần trang bị cho nhiều lớp cán bộ, đảng viên những tri thức lý luận và kỹ năng tuyên truyền, tổ chức cốt yếu nhất. Nhiều “học viên” của “trường đại học cách mạng” ấy sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ)…

Giáo sư Sử học ĐINH XUÂN LÂM

Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực.

Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo và phê bình quan điểm (!)… Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao.

Câu đối của Giáo sư Hoàng Như Mai mừng thọ 85 tuổi Giáo sư Trần Văn Giàu

ANH KIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm