Chuyên gia góp giải pháp 'thẻ thông hành y tế'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều 6-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Y tế TP nghiên cứu thẻ xanh vaccine để có quy định về những ai được tham gia các hoạt động sau này.

Trước đó, trong một số chương trình làm việc gần đây về phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định TP không thể siết chặt giãn cách mãi được, mà phải dần mở ra. Tuy nhiên, mỗi địa phương không thể độc lập kiểm soát người đi lại mà cần đồng bộ bằng công nghệ. TP hướng tới sử dụng các loại giấy thông hành y tế, trong đó có giấy thông hành vaccine.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhằm góp ý thêm cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng quá trình bình thường mới, TP có thể nghiên cứu, áp dụng các nhóm giải pháp nới lỏng từng bước cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc nhóm F0 đã khỏi bệnh.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM:

Hiểu đúng ý nghĩa của việc cấp thẻ thông hành y tế

Mục đích của việc cấp thẻ thông hành y tế là phân loại cá nhân theo nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm để nhằm phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa và sinh hoạt xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Phân loại được thực hiện dựa trên tiêu chí đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc đang ở giai đoạn sáu tháng sau khi khỏi bệnh COVID-19.

Những người này khi tham gia lao động, sản xuất là an toàn hơn cho chính họ (ít bị lây bệnh hơn và nếu mắc bệnh cũng ít khi diễn tiến nặng), an toàn cho người xung quanh (vì họ ít lây cho người khác hơn). Ngoài ra, sự phân tầng các hoạt động theo nguy cơ cá nhân giảm nguy cơ lây nhiễm chung cho toàn thể cộng đồng. Nó cũng giúp cho việc giám sát dịch tễ có hiệu quả cao hơn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch phù hợp với tầng nguy cơ đó.

Ví dụ, nếu trước đây khi phát hiện một công nhân bị mắc COVID-19 trong phân xưởng thì tất cả người trong phân xưởng đó bị xem là F1 và phải cách ly 14 ngày, làm gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, nếu công nhân tại phân xưởng đó đã được tiêm chủng thì do khả năng lây lan thấp, có thể đề xuất chỉ can thiệp cho những người tiếp xúc gần: Xét nghiệm 3-5 ngày sau thời điểm phơi nhiễm, đeo khẩu trang liên tục trong 14 ngày trong khi vẫn tiếp tục làm việc và phân xưởng vẫn hoạt động.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại quận Bình Thạnh, TP.HCM trong thời gian siết chặt giãn cách. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuy nhiên, dù đã tiêm vaccine hay F0 khỏi bệnh thì không loại trừ hoàn toàn khả năng lây lan. Vì vậy, khi mở cửa kinh doanh, sản xuất thì cũng cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như: Xét nghiệm thường xuyên (ví dụ, ở các khu công nghiệp thì một tuần/lần; các khu chợ, quán ăn… tiếp xúc nhiều hơn thì ba ngày/lần.

Ngoài ra, cũng cần tạo môi trường làm việc bình thường mới ở các nơi công cộng, như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… Đó là làm sao có nhiều không gian mở, thông thoáng, sắp xếp và bài trí lại việc giao tiếp giữa người với người để giảm nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người chưa tiêm vaccine cần chủ động tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp y tế khuyến cáo như 5K, tránh đến nơi đông người để hạn chế bị lây bệnh.

Tôi cho rằng chúng ta nên lưu ý bài học từ nước Anh. Hiện họ có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 dựa vào kinh nghiệm đã trải qua đại dịch, áp dụng chính sách tiêm chủng kết hợp với phân tầng nguy cơ. Tỉ lệ lây nhiễm của họ cao tương tự như TP.HCM hiện nay nhưng tỉ lệ tử vong thấp. Mọi người có quyền làm việc và những người đã tiêm chủng đầy đủ được tham gia một số hoạt động không thiết yếu như đi xem đá bóng, đến nhà hàng, đưa cuộc sống của người tiêm vaccine trở lại trạng thái bình thường mới.

PGS-TS NGÔ QUỐC ĐẠT, Phó Trưởng khoa Y ĐH Y Dược TP.HCM:

Có bốn vấn đề khi bàn về thẻ thông hành y tế

Tôi cho rằng chủ trương mở cửa dần dần cho người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mới mà Bí thư Nguyễn Văn Nên đề cập là cấp thiết, bởi TP.HCM đã siết giãn cách trong nhiều tuần. Hoạt động kinh tế ở TP lại rất đặc thù, chủ yếu là dịch vụ nên không chỉ việc mua bán, xuất nhập khẩu, kinh doanh mà chuyện ăn uống, sinh hoạt của người dân cũng rất bị ảnh hưởng khi siết giãn cách.

Thông qua biện pháp thẻ thông hành y tế, TP dần mở cửa trở lại sẽ giúp phục hồi lực lượng sản xuất, cung ứng hàng hóa, đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ vốn cũng rất quan trọng với đời sống người dân.

Trong lộ trình bình thường mới, tôi cho rằng chúng ta cần nhắm đến (i) tỉ lệ tiêm vaccine toàn dân; (ii) năng lực của hệ thống y tế; (iii) năng lực quản trị; và (iv) năng lực thích ứng, ý thức của người dân.

Về vaccine, hiện TP đã tiêm phủ phần lớn dân số trên 18 tuổi mũi 1 và đang tiêm mũi 2. Muốn thúc đẩy thẻ thông hành y tế để vào giai đoạn bình thường mới thì phải cải thiện hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả hơn, thần tốc hơn. Cần tinh giảm quy trình, mở rộng nhóm người tiêm chủng, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa và sự an toàn của vaccine nhằm tự nguyện tiêm chủng kịp thời.

Với hệ thống y tế, cần dự báo đúng và gia cố để tránh quá tải hệ thống y tế thông qua việc tăng cường y tế cơ sở giúp quản lý hiệu quả người bệnh tại địa phương, tăng số giường điều trị bệnh COVID-19 và thiết bị y tế nhằm chữa trị kịp thời, hiệu quả những bệnh nhân nặng, nguy kịch giúp giảm tử vong thì việc mở cửa là cần thiết để giảm bớt khó khăn, nhất là khó khăn tinh thần của người dân.

Đối với việc quản lý thẻ thông hành y tế, muốn nắm bắt và ứng xử phù hợp với người đã tiêm, người chưa được tiêm thì dữ liệu tiêm chủng, dịch tễ phải đầy đủ, áp dụng công nghệ để việc quản lý dữ liệu đó phải hiệu quả cao nhất. Thẻ thông hành y tế không chỉ là cơ sở minh chứng để người dân hưởng quyền lợi trong sinh hoạt, làm việc mà còn là phương tiện để Nhà nước nắm bắt việc di chuyển, tiếp xúc của họ nhằm quản lý dịch tễ, phản ứng nhanh và hiệu quả trong trường hợp số ca lây nhiễm, số ca chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng đột biến.

Cuối cùng, năng lực thích ứng và ý thức của người dân cũng rất quan trọng. Thứ nhất, người dân không nên kén chọn vaccine khi nguồn cung khan hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà hoàn cảnh chung trên thế giới. Ngoài ra, tiêm đủ vaccine thì được cấp thẻ thông hành y tế nhưng vẫn phải có nghĩa vụ tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, khai báo y tế ở những nơi họ đến và tiếp xúc với người khác (trường học, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, quán ăn gia đình…).

Chính quyền cần tạo điều kiện để người dân hình thành thói quen tự xét nghiệm, nhất là đối với nhóm người thường xuyên tiếp xúc với đám đông, người có triệu chứng nghi ngờ hoặc là F1. Nếu phát hiện dương tính thì phải tự cách ly và chữa trị theo hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời khai báo qua ứng dụng để kích hoạt hệ thống truy vết và để được hệ thống y tế theo dõi sát người tiếp xúc gần. Nếu không tuân thủ các quy định, làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì phải bị chế tài nghiêm.

TS LƯƠNG HOÀI NAM: 

 Nên kiểm soát kỹ các điểm đến

Tôi nghĩ rằng việc TP hướng tới sử dụng các loại giấy thông hành y tế, trong đó có giấy thông hành vaccine như Bí thư Nguyễn Văn Nên đã đề cập mới đây là hướng đi rất đúng. Chúng ta đã giãn cách nhiều tuần, cũng đã nỗ lực tiêm vaccine cho rất nhiều người và chữa trị cho hàng trăm ngàn người khỏi bệnh. Nhóm người này hiện đã hơn nửa triệu dân. Vì vậy, cần có chính sách để người dân có thể bước sang giai đoạn bình thường mới.

Vấn đề là chúng ta sẽ nới lỏng thế nào và quản lý, ứng xử với họ ra sao?

Chúng ta thử cân nhắc bài học từ Singapore. Nước này không cấm người dân di chuyển, chỉ cấm hoặc hạn chế việc di chuyển không an toàn. Vì sao Singapore không dừng giao thông công cộng, không cấp giấy đi đường, kể cả giấy đi đường điện tử? Vì theo họ, lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không xảy ra khi người dân di chuyển trên đường, mà xảy ra ở nơi có giao tiếp không an toàn. Đó có thể là công sở, nhà máy, quán ăn, quá bar, phòng gym, công viên, trường học, nhà dân… Người dân đến đây phải khai báo y tế, tuân thủ 5K. Trên xe buýt, tàu điện ngầm - nơi có thể xảy ra tiếp xúc gần thì người dân Singapore bắt buộc phải đeo khẩu trang, không được nói chuyện với nhau, không được gọi/nghe điện thoại, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Điều đó sẽ hạn chế rất nhiều việc lây nhiễm.

Đồng thời, để quản lý rủi ro lây lan và bùng dịch khi cho phép người dân đi lại, sinh hoạt nơi công cộng thì Singapore áp dụng công nghệ vào truy vết, khoanh vùng, gửi cảnh báo đến người có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Không ai phải liên hệ với F1 và F1 cũng không cần liên hệ với ai. Người dân phải tự giác hạn chế tiếp xúc, có gì bất thường về sức khỏe thì tự xét nghiệm tại nhà và làm theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thiết nghĩ, chúng ta nên nghiên cứu chuyển từ kiểm soát trên đường (nơi không lây nhiễm) sang kiểm soát các điểm đến (nơi lây nhiễm). Và khi đó các rào chắn, bốt gác có thể được tháo dỡ, không cần đến giấy đi đường nữa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm