Trị nghiêm những người trục lợi từ giấy thông hành

Bộ GTVT vừa gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương công điện về việc xử lý nghiêm vụ nữ chuyên viên Tổng cục Đường bộ cấp khống 1.000 thẻ luồng xanh (thẻ nhận diện phương tiện vận chuyển được ưu tiên hoạt động, lưu thông thông suốt vào khu vực phòng chống dịch COVID-19).

Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng tiêu cực, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo bộ trưởng kết quả trước ngày 1-9.

Trục lợi từ thẻ luồng xanh

Liên quan đến vụ việc cấp khống 1.000 thẻ luồng xanh, ngày 27-8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam Hoàng Thị Thanh Nga để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện lưu thông qua chốt trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Bước đầu, bà Nga khai nhận được Tổng cục Đường bộ tăng cường hỗ trợ Sở GTVT TP Hà Nội duyệt cấp thẻ luồng xanh. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, bà Nga đã móc nối, duyệt, cấp trái phép khoảng 1.000 hồ sơ ô tô và thu tiền, hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Cũng trong ngày 27-8, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở cầu 13.000 (thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) phát hiện anh LHV (quê huyện Vị Thủy) từ vùng dịch trở về quê bằng xe luồng xanh.

Anh V khai nhận thuê xe tải luồng xanh chở anh từ thị xã Bến Cát, Bình Dương về Hậu Giang. Hiện tài xế và anh V đã đi cách ly tập trung. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý hành vi vi phạm.

Tối 28-8, tổ công tác của Công an TP Vinh, Nghệ An đã lập biên bản, đề nghị xử phạt tài xế NXS và ba người khác tổng cộng 30 triệu đồng về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.

Tài xế S dùng xe cứu thương chở ba người từ TP Vinh về huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ba người trên xe khai nhận thuê xe của S về huyện Thanh Chương để giải quyết việc riêng. Khi tổ công tác kiểm tra, xe không có bệnh nhân cấp cứu, người trên xe không xuất trình được giấy tờ cho phép đi ra khỏi TP Vinh.

Bị khởi tố vì bất chấp quy định về phòng chống dịch

Ngày 28-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã khởi tố hai bị can về tội nhận hối lộ, hai bị can về tội đưa hối lộ.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, lợi dụng nhiệm vụ kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với người ra - vào tỉnh Thái Bình, bị can Cường nhận 3,5 triệu đồng từ bị can Đạt để tạo điều kiện cho công nhân của Công ty cổ phần Tiên Hưng chưa làm xét nghiệm COVID-19 được qua chốt, ra - vào tỉnh Thái Bình.

Tương tự, bị can Lan nhận 5 triệu đồng của bị can Việt để cho công nhân của Công ty TNHH Thiên Sơn được qua chốt khi chưa có giấy xét nghiệm COVID-19. Hiện bốn bị can bị bắt tạm giam ba tháng để phục vụ điều tra.

Ngày 27-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khởi tố vụ án vi phạm quy định về an toàn nơi đông người để điều tra đối với nhà xe chạy tuyến TP.HCM về Hải Phòng.

Theo điều tra ban đầu, Vũ Khắc Quyền thuê hai tài xế và hai phụ xe chở khách tuyến Vĩnh Bảo - Thái Bình - TP.HCM. Do trốn tránh khai báo, hành khách và nhân viên nhà xe không được cách ly theo quy định, dẫn tới làm lây lan dịch bệnh cho 11 người. Quyền cùng tài xế và phụ xe dương tính với COVID-19, đã cách ly tập trung để điều trị.

Quy định cụ thể tiêu chuẩn được cấp giấy ưu tiên

Các quy định về phòng chống dịch cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, ngoài Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND TP.HCM và nhiều địa phương còn ban hành các công văn khẩn chỉ đạo công tác phòng chống dịch với tinh thần chung là hạn chế tối đa việc di chuyển.

Việc hạn chế này được thực hiện trên cơ sở chính sách cấp thẻ luồng xanh hay giấy thông hành cho người và phương tiện giao thông. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong thực thi chính sách đã bị trục lợi bởi các cá nhân được trao quyền...

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã dùng đến hình thức chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm. Theo tôi, các hình thức chế tài hiện nay đã đủ để răn đe và phòng ngừa.

Tuy nhiên, cơ chế để quản lý và thực thi quyền có đủ chặt chẽ để bịt kín các lỗ hổng hay không? Khi quyền được trao mà thiếu cơ chế kiểm soát, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh cấp bách thì quyền rất dễ bị lợi dụng.

Theo tôi, vấn đề không phải ở việc sửa luật hay nâng cao chế tài mà cần quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn để được cấp giấy thông hành, thẻ luồng xanh và tăng cường kiểm soát để xử lý kịp thời các vướng mắc cũng như hạn chế sai phạm.

TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm