Phường nỗ lực đáp ứng đơn hàng của dân, siêu thị xin tạo luồng xanh

Ghi nhận thực tế cho thấy hiện nay nhiều địa phương đã kết hợp với các siêu thị triển khai việc đi chợ hộ giúp người dân. Tuy nhiên, lực lượng mua hộ tại một số nơi đang trong tình trạng quá tải, không đủ nhân lực để giao hàng trong khi nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân ngày một tăng cao.

Có nơi dân chưa biết mua combo ở đâu

Chị Yến Ngọc, cư dân khu chung cư Bàu Cát 2 (phường 10, quận Tân Bình), cho biết ngay trong ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở yên đó”, chị và các hộ dân tại đây được siêu thị thông báo sẽ đi chợ hộ. Theo đó, chị Ngọc nhắn tin qua Zalo để đặt hàng với người quản lý siêu thị và được hẹn sẽ giao hàng trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, đến hôm qua (27-8), siêu thị vẫn chưa giao hàng.

Do không nhận được hàng nên cư dân tại chung cư cử người đại diện trực tiếp xuống siêu thị nằm ngay dưới chân chung cư để mua hàng. Thế nhưng, nhân viên siêu thị không cho vào và trả lời rằng chỉ có lực lượng mua hộ mới được vào, còn người dân phải mua thông qua các lực lượng mua hộ.

“Nhiều gia đình tại khu chung cư đã cạn kiệt thực phẩm, không được phép ra đường nhưng lại không có cách nào để mua hàng. Lo nhất là một số hộ dân trong khu chung cư có người già, trẻ nhỏ, đặc biệt là một số hộ có người thuộc diện cách ly vì là F0, F1. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền mau chóng mua hộ nhu yếu phẩm giúp dân bởi đây là nhu cầu bức thiết” - chị Ngọc nói. Nhiều hộ dân tại chung cư này cũng có chung nguyện vọng như chị Ngọc.

Bà Trần Lan (người dân sống tại phường 9, quận Gò Vấp) thông tin phường cung cấp danh sách các siêu thị trên địa bàn phường và mời tham gia các nhóm chat Zalo để đặt hàng theo link do Siêu thị Bách Hóa Xanh cung cấp. Tuy nhiên, khi đặt hàng thì siêu thị này luôn trong tình trạng bị đầy đơn hàng và ngưng nhận đơn.

“Đã bốn ngày nay tôi không đặt được đơn hàng nào. Mỗi lần đặt thì siêu thị luôn báo quá tải đơn hàng, tạm ngưng nhận đơn và thông báo quay lại sau 16 giờ để đặt hàng cho ngày mai. Song, đúng thời gian đó tôi quay lại thì vẫn báo quá tải đơn hàng, tạm ngưng nhận đơn” - bà Lan kể.

Trong khi đó, đến hôm qua (27-8), một số người dân ở khu phố 5, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân phản ánh vẫn chưa biết làm cách nào để đặt mua được thực phẩm qua lực lượng đi chợ hộ. Còn chị Thành (nhà ở quận Phú Nhuận) kể sáng qua chị mới nhận được combo mua thực phẩm từ tổ dân phố. Tương tự, anh Bảo (nhà ở quận Bình Thạnh) kể đặt mua thực phẩm của Bách Hóa Xanh thông qua tổ đi chợ từ thứ Hai, đến hôm qua vẫn chưa nhận được hàng vì tổ dân phố thông báo thay đổi phương thức thanh toán.

Phường đang nỗ lực mua hộ giúp dân

Ông Nguyễn Lê Hoàng Thân, Chủ tịch UBND phường 10, quận Tân Bình, cho biết công tác đi chợ hộ đã được phường phân công theo đầu mối tổ cộng đồng (tổ đi chợ) ở mỗi khu phố. “Tổ đi chợ hộ đáp ứng được đa số nhu cầu mua hàng hóa trong đơn. Nếu người dân có nhu cầu mua thuốc, bỉm, tã… đều được tổ mua giúp. Bên cạnh đó, người dân có thể đặt hàng theo combo tại các siêu thị đã được đưa trên các đường link của phường và phường sẽ hỗ trợ mua một tuần/lần” - ông Thân nói.

Chủ tịch UBND phường 10, quận Tân Bình thông tin thêm phường có nhận được phản ánh từ người dân về việc đặt hàng qua siêu thị nhưng chưa nhận được hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do những hộ dân này nằm trong vùng xanh, trong khi phường đang tập trung hỗ trợ đơn hàng cho những hộ dân ở vùng cam và vùng đỏ trước.

Nhiều siêu thị cho biết số nhân viên hạn chế nên rất khó để đáp ứng đủ nhu cầu tăng vọt của người dân. Trong ảnh: Lực lượng đi chợ hộ tại Siêu thị AEON Bình Tân. Ảnh: TÚ UYÊN 

“Thông qua tổ đi chợ, siêu thị nhận đơn hàng của người dân và phường tạo điều kiện để siêu thị giao cho người dân. Hiện chúng tôi chưa nhận được đề nghị hỗ trợ từ phía siêu thị, tuy vậy khi cần, phường đều có người hỗ trợ để phân đơn hàng giùm, kể cả hỗ trợ ship hàng luôn” - ông Thân nói.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cũng thông tin: Để đáp ứng được nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân, phường đã huy động lực lượng để dồn sức phục vụ; đồng thời phường linh hoạt thời gian đi chợ, không giới hạn số lượt đi chợ trong tuần cũng như khung giờ. Phường cũng đưa ra nhiều hình thức đi chợ hộ.

“Các hình thức đi chợ hộ của chúng tôi phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, lứa tuổi, kể cả người không sử dụng điện thoại thông minh. Với việc đưa ra nhiều hình thức mua hộ, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu mua sắm thực phẩm, thuốc men, gas, nước uống, đồ dùng cá nhân… của người dân” - ông Đức nhấn mạnh.

Còn bà Phạm Hạnh Thủy, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Tân, cho biết từ ngày 23 đến 26-8, quận đã nhận được tổng cộng 24.233 đơn hàng, trong đó đã giao thành công 15.614 đơn hàng. Hiện nay các đơn vị cung ứng đang tiếp tục giao hàng cho người dân.

“Ngoài hoạt động đi chợ thay, chúng tôi còn phối hợp với UBND phường thực hiện việc mua thuốc hộ cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin về việc có trường hợp người dân chưa nắm được việc đặt mua thực phẩm thông qua tổ đi chợ thay” - bà Thủy nói.

Siêu thị mong muốn có luồng xanh

Liên quan đến hoạt động đi chợ hộ do các địa phương phối hợp với siêu thị, bà Đoàn Kim Hương, Trưởng phòng vận hành AEON Việt Nam, cho biết số lượng đơn hàng combo tại Siêu thị AEON Tân Phú và AEON Bình Tân tăng rất mạnh. Ví dụ, ngày 27-8, đơn hàng tăng gấp 3-4 lần so với những ngày đầu triển khai chủ trương đi chợ hộ.

“Dự kiến số lượng đơn hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới, do người dân có nhu cầu mua thêm thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là đồ tươi sống. Tới đây, các khâu tổng hợp đơn, chuẩn bị hàng, giao hàng, thanh toán sẽ được tối ưu để nhanh chóng, hiệu quả hơn với sự hỗ trợ của địa phương” - bà Hương cam kết.

Nhân viên tại một siêu thị chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho người dân.
Ảnh: TÚ UYÊN

Đại diện Bách Hóa Xanh thì cho hay số lượng đặt hàng bị quá tải cả ở các mô hình combo theo đơn đặt hàng của phường lẫn đơn lẻ của khách. Trong khi đó nhân lực có hạn, dẫn đến việc giao chậm hoặc hết hàng ở thời điểm khách đặt hàng. Bên cạnh đó, hiện tại nguồn hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, nông sản bị thiếu do gặp khó khăn trong vận chuyển, không có tài xế tham gia vận chuyển hàng.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng tạo luồng xanh cho hàng hóa lưu thông từ vùng trồng, vùng sản xuất tới siêu thị thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện để đội ngũ giao hàng thiết yếu được hoạt động, đáp ứng nhu cầu lớn của bà con” - đại diện đơn vị này nói.

Đề xuất cung cấp hạ tầng công nghệ hỗ trợ đi chợ hộ

Công ty TNHH Grab Việt Nam vừa có đề xuất gửi UBND TP.HCM về việc cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân tại các khu vực mà shipper không hoạt động.

Theo đó, người dân sẽ tải ứng dụng Garb về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng. Sau đó vào danh mục GrabMart trên ứng dụng, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua, sau đó kiểm tra lại thông tin, chọn hình thức thanh toán và ấn nút đặt hàng.

Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã sẽ tạo một tài khoản người đi chợ hộ, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email và tài khoản ngân hàng.

Khi có đơn hàng của người dân, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng và đi giao. Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.

Trong khi đó, đại diện Central Retail Việt Nam bày tỏ đơn vị này sẵn sàng chia sẻ nền tảng nhận và xử lý đơn hàng của hệ thống để hỗ trợ lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian trong việc đi chợ hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm