Tồn đọng 3.000 tấn chuối vì Trung Quốc dừng nhập khẩu

Chiều nay, 27-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp giao ban Tổ công tác 3430 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch, dẫn đến giá một số mặt hàng nông sản giảm.

"Tại một số địa phương tồn đọng khối lượng lớn các nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng, mức tăng từ 10-40% so với đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng" - ông Toản cho biết.

Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: AH

Cụ thể, tại Lào Cai, giá bán rau xanh giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm.

Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9 – 11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến trong tháng 9 thu hoạch 2.000 tấn cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ.

Tại Lai Châu, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng hiện nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn. 

Mặt hàng chè khô tồn kho còn khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng … hạn chế.

Tại Thái Nguyên, giá chè qua chế biến các loại giảm khoảng 10-15%; giá thịt heo hơi giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg. Việc cung ứng, tiêu thụ rau của một số HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do cung cấp cho các bếp ăn tập thể, siêu thị, nhà hàng giảm.

Hiện nay một số loại nông sản đang trong vụ thu hoạch như: na (6.500 tấn), nhãn (5.500 tấn)), sản lượng lớn tập trung tại một số địa phương như Võ Nhai, Đồng Hỷ... cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cho người dân.

Tại Bắc Giang, các nông sản đang đến kỳ thu hoạch như na, nhãn… khó khăn khi đưa vào các thị trường lớn như Hà Nội... Nông sản tiêu thụ chậm và có giá bán thấp hơn so với các năm trước. Giá thương phẩm một số nông sản như rau, quả, nhất là thịt heo, gà giảm đã gây khó khăn cho duy trì sản xuất và tái đàn vật nuôi.

Tại Nghệ An hiện nay có khoảng 600.000 con heo trọng lượng từ 75 kg trở lên. Giá thịt heo hơi xuống thấp, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi trong tỉnh là 55.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.

Tình hình tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ thịt như giò chả, xúc xích,… cũng bị ảnh hưởng mạnh. Năng suất, sản lượng rau, củ, quả các loại đều tăng so cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi nhưng thị trường tiêu thụ trong nước giảm, dồn thời vụ thu hoạch, liên kết sản xuất còn hạn chế..., nên việc tiêu thụ một số loại rau củ quả đang thời điểm thu hoạch gặp khó khăn (bí xanh, dưa hấu).

Từ giữa tháng 7-2021, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam vì lo ngại dịch COVID-19. Điều này dẫn đến từ trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây nông sản khác của Việt Nam cơ bản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc qua các cửa khẩu này.

Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam (Trung Quốc) qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày.

Vào ngày 23-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đề nghị chỉ đạo tỉnh Vân Nam khẩn trương dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm