Nhằm cung ứng nhu yếu phẩm nhanh chóng đến tay người dân, đi đôi với công tác phòng chống dịch, nhiều hình thức mua bán không cần tiếp xúc đã được các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức thực hiện.
Nhân viên "Cửa hàng tự động ,thanh toán không tiếp xúc" sắp xếp thực phẩm trước khi đón khách.
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Thực Phẩm Bình Ổn Lưu Động”, chuỗi cửa hàng Grove Fresh đã phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM triển khai mô hình “Cửa hàng tự động ,thanh toán không tiếp xúc”.
Cửa hàng hoạt động theo phương thức hoàn toàn không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người mua với người bán. Người tham gia mua hàng di chuyển một chiều và thực hiện mua sắm theo các bảng hướng dẫn được bố trí sẵn, sau đó tiến hành thanh toán qua kết nối trực tuyến.
Để hàng hoá đến tay người dân, Grove Fresh sẽ phối hợp với Ủy ban phường lập danh sách những hộ gia đình cần mua nhu yếu phẩm theo các combo có sẵn. Sau đó lực lượng mua hộ sẽ tới cửa hàng để lấy hàng. Người dân tiến hành thanh toán cho lực lượng mua hộ khi nhận được combo đã đặt.
Đối với người dân có nhu cầu gấp có thể chủ động đặt hàng và thanh toán combo đã chọn theo link do Grove Fresh cung cấp. Sau đó nhân viên cửa hàng sẽ phối hợp với lực lượng mua hộ giao hàng tận tay người dân.
Hiện 2 cửa hàng tự động được đặt tại 169 Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1 và chung cư 79 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh, hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Người mua thanh toán qua hệ thống kết nối trực tuyến.
Đây là một mô hình giúp giữ an toàn cho lực lượng đi chợ hộ.
Chiến sĩ Cao Minh Thành - Lữ đoàn 26, Quân khu 7 cho biết : "Tôi thấy cửa hàng này rất an toàn vì ở đây thanh toán tự động và không có tiếp xúc trực tiếp. Khi mang về cho bà con rất thích vì an toàn. Tôi thấy sản phẩm ở đây rất tốt, tươi, ngon và đảm bảo chất lượng”.
Để tránh mất thời gian, cửa hàng bán theo hình thức combo gồm: rau, thịt, trái cây...
Ngoài mô hình bán không tiếp xúc trên, tại UBND quận 5 cũng đã mở kênh mua sắm online hỗ trợ người dân mùa dịch. Đây là 1 trong những phương án chăm lo, cung cấp đủ thực phẩm cho người dân được UBND quận 5 triển khai từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Chị Khưu Ngọc Bích Thư - Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá quận 5 cho biết: “Đầu tiên các bạn vào web tìm trang Trung tâm văn hoá quận 5 và đặt hàng trên web. Khi có đơn hàng chúng tôi sẽ liên hệ với khách và chốt đơn, sau khi xong hôm nay thì tổng hợp lượng hàng, ngày mai chuẩn bị và ngày mốt giao hàng. Sau khi chốt đơn xong, đơn hàng sẽ được đưa qua chỗ đi chợ giúp, gói hàng và đến tính tiền, kiểm hàng và đưa ra giao hàng”.
Siêu thị “dã chiến” này được chuyển đổi công năng từ Trung tâm Văn hóa quận 5 với khuôn viên rộng gần 4,7 ha, đảm bảo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối thực phẩm cho người đi chợ hộ trong khu vực.
Với quy mô như một siêu thị thu nhỏ, hàng ngày, ở đây cung cấp khoảng 2,5 tấn rau, nửa tấn thịt, 200 trứng gà/vịt và hàng nhu yếu phẩm các loại...
"Nhân viên" của siêu thị là cán bộ, công nhân viên, thầy giáo, cô giáo được quận kêu gọi cùng chung tay hỗ trợ.
"Nhân viên" tại siêu thị sẽ giúp người dân đi chợ.
Thầy Trần Mạnh Kha (áo xanh), giáo viên trường THCS Ba Đình và thầy Trần Trọng Tuyến, giáo viên trường THCS Trần Bội Cơ hỗ trợ chia hàng, đóng gói rau củ.
Hàng ngày, siêu thị này phân phối khoảng từ 300 đến 350 đơn hàng cho người dân khu vực với phí giao hàng ưu đãi chỉ từ 15 đến 20 nghìn đồng.
Trong thời gian TP.HCM siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, việc triển khai các mô hình siêu thị trực tuyến sẽ hỗ trợ đưa thực phẩm bình ổn giá đến tay người dân cũng như giảm bớt gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu trong việc phân phối lương thực, thực phẩm thiết yếu...