Tìm cách giữ chân nhà đầu tư nước ngoài giữa mùa dịch

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, không chỉ nhà kinh doanh trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài (FDI) cũng lao đao, đứt gãy sản xuất, cung ứng. Thậm chí, đã có nhiều công ty buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng để giữ chân nhà đầu tư FDI, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong phòng chống dịch, đặt họ trong vai trò cùng là lực lượng tham gia chống dịch thay vì kiểm soát. Điều này sẽ giúp giảm tải cho Nhà nước cũng như tăng tính chủ động, đảm bảo khôi phục sản xuất nhanh nhất.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU,Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Hãy để các nhà đầu tư chủ động

Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp (DN) bao gồm cả nhà đầu tư FDI khi vừa căng mình phòng chống dịch bệnh, vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Để hỗ trợ nhà đầu tư một cách thiết thực, tôi cho rằng chính quyền không nên áp dụng cứng nhắc phương án sản xuất “ba tại chỗ” hay “một cung đường - hai điểm đến”. Thay vào đó nên phát huy sáng kiến của DN FDI để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của họ, miễn là bảo vệ được sức khỏe người lao động, bảo vệ được DN sản xuất an toàn.

Một trong những quan ngại lớn nhất của các công ty hiện nay là tâm lý của người lao động bất ổn, do phải ở lại nhà máy làm việc lâu mà không được về nhà. Vì vậy, chính quyền cần phát huy vai trò hỗ trợ để họ đảm bảo tâm lý tốt cho người lao động không bị lo lắng, mất niềm tin, khủng khoảng. Nếu người lao động không còn hợp tác và không còn tin tưởng thì việc sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư FDI sẽ không thể duy trì.

Đặc biệt, giữa chính quyền và nhà đầu tư nên có sự hợp tác chặt chẽ. Thực tế cho thấy hiện nay nếu DN chẳng may có người lao động bị F0 mà không có sự hợp tác của chính quyền thì đôi khi gây ra rối loạn, thậm chí bị quy tội làm lây lan dịch bệnh. Do đó, cần có quy trình chuẩn để nhà đầu tư xử lý vấn đề này nhằm giảm thiểu rủi ro. Hãy để các nhà đầu tư chủ động vấn đề test nhanh COVID-19 và thực hiện phòng dịch chủ động.

Một rủi ro nữa cho DN bao gồm cả nhà đầu tư FDI là khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ không thể nối lại. Trong khi đó, chúng ta đang nhìn thấy sự ách tắc trong lưu thông hàng hóa và nguyên vật liệu khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, đặc biệt chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Theo tôi, về nguyên tắc, hàng hóa là được lưu thông chứ không có khái niệm thiết yếu. Vì hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng rất thiết yếu chứ không chỉ là thực phẩm tươi sống. Do đó nên bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu, thay vào đó nguyên tắc hàng hóa cần được lưu thông và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Điều này sẽ giúp mọi thứ thông suốt và tránh gây đứt gãy chuỗi cung ứng cho nhà đầu tư, giúp họ yên tâm sản xuất.

TS MAJO GEORGE, ĐH RMIT Việt Nam:

Đẩy mạnh tiêm vaccine để sống, làm việc chung với dịch

Việt Nam đã kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh cho đến giữa năm 2021. Nhưng lần này dịch bệnh bùng phát mạnh đã tác động tiêu cực đến nhiều DN, trong đó có các công ty FDI.

Lúc này khu vực FDI đang đối mặt với gánh nặng tài chính do việc thực hiện các quy định sản xuất “ba tại chỗ” hay “một cung đường - hai điểm đến”, cùng với đó là sự gia tăng chi phí logistics. Chi phí phát sinh thêm từ mô hình này là rất lớn, tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Nó cũng gây mất cân bằng cuộc sống của người lao động vì phải làm việc, ăn, ngủ tại nhà máy thay vì được về nhà nghỉ ngơi như trước đây.

Điều quan trọng lúc này là có kế hoạch rõ ràng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong tình huống khẩn cấp hiện nay thì Chính phủ cần đưa ra ngay các gói đặc biệt về thuế, phí để hỗ trợ cho các DN FDI duy trì sản xuất và tiếp tục đặt niềm tin ở lại Việt Nam.

Điều đáng mừng hiện nay, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và các công ty FDI đang nỗ lực hoạt động một cách kiên cường để duy trì việc sản xuất, dù bối cảnh dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ chân họ thì Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh.

Trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng ngay cho đa số người dân, công nhân và qua đó giúp người lao động trở về với gia đình một cách an toàn. Đồng thời, giáo dục và huấn luyện người dân, công nhân hiểu cần tiếp tục các biện pháp y tế an toàn để sẵn sàng sống và làm việc chung với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để Việt Nam tiếp tục là môi trường đầu tư thân thiện với DN FDI, Chính phủ nên thực hiện việc mở cửa thị trường từng bước có kiểm soát, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn bằng nhiều cách. Ví dụ như phê duyệt đầu tư nhanh hơn, giảm thuế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn bao gồm giao thông, điện, nước...

DORSATI MADANI, chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank:

Bị ảnh hưởng bởi các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021 nhưng hiện đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh. Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát bùng phát dịch trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Chính vì thế các công ty FDI cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lần này khi đối diện với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất. Bằng chứng là trong nửa đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,3 tỉ USD. Tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm tới 45% từ tháng 4 đến tháng 6.

Điều này cho thấy tâm lý thận trọng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gần đây. Rõ ràng đây là những thách thức của Việt Nam. Nhưng tôi vẫn lạc quan với tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng dòng vốn FDI có giảm lúc này do cú sốc COVID-19 nhưng mức độ giảm nhẹ và luồng vốn vẫn chảy vào. Vì vậy, một khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thì FDI sẽ phục hồi vì các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin và xác định việc dịch chuyển nhà máy đến Việt Nam vẫn là xu hướng chủ đạo.

Một bệ đỡ khác cho FDI chính là kinh tế các nước lớn, đối tác thương mại chính của Việt Nam đang phục hồi trở lại. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm từ Việt Nam rất lớn và nhiều hứa hẹn, nhiều triển vọng.

Bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sản xuất. Ảnh: PM 

Tháo gỡ khó khăn cho lao động, chuyên gia

Bộ KH&ĐT cho hay một số vướng mắc hiện nay được DN phản ánh nổi lên là vấn đề cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho DN; quy trình về cách ly y tế để các địa phương tiếp nhận lao động đến và trở về. Riêng đối với trường hợp đặc thù như các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để nghiên cứu, tìm hiểu và quyết định đầu tư và đã đáp ứng các điều kiện về đảm bảo an toàn dịch bệnh (tiêm đủ hai mũi vaccine, có giấy chứng nhận tiêm chủng...) thì sau khi nhập cảnh cần được áp dụng cơ chế kiểm soát y tế, phòng dịch hợp lý, linh hoạt.

Bộ KH&ĐT cũng đánh giá việc đảm bảo nguồn cung vaccine, kịp thời tổ chức tiêm chủng cho người lao động và người dân là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”; vận động, thúc đẩy đối tác, cung cấp vaccine đúng cam kết; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19... Đồng thời nghiên cứu công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm