Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng

Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc còn bị đề nghị mức án 20 năm tù đối với tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là tử hình. Theo cơ quan công tố, ông Dũng và ông Phúc không ăn năn hối cải nên phải tăng nặng hình phạt.

Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị mức án từ 22 đến 24 năm tù; Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa Tàu biển Vinalines) bị đề nghị từ 28 đến 30 năm tù về hai tội nói trên; Mai Văn Khang (nguyên phó trưởng Ban Đóng mới tàu biển) từ tám đến 10 năm tù đối với tội cố ý làm trái…

Bốn bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn liên đới chịu trách nhiệm bồi thường 28 tỉ đồng số tiền đã tham ô, trong đó Dũng, Phúc bồi thường mỗi người 10 tỉ đồng, Chiều bồi thường 340 triệu đồng, Sơn bồi thường số tiền còn lại. Cả 10 bị cáo trong vụ án này có trách nhiệm bồi thường số tiền 338 tỉ đồng.

Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng ảnh 1

Bị cáo Dương Chí Dũng trước tòa ngày 13-12. Ảnh: TTXVN

Tham ô hay nhận hối lộ?

Bào chữa cho Dương Chí Dũng, luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng không có cơ sở pháp lý buộc tội tham ô đối với các bị cáo. Theo luật sư này, dấu hiệu của tội tham ô theo Điều 165 BLHS là “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý…”, trong khi hoàn toàn không có chứng cứ nào thể hiện khoản tiền 1,666 triệu USD là tài sản của Vinalines.

Luật sư Trần Đình Triển bổ sung nếu chứng minh được các bị cáo nhận khoản tiền này thì tội danh phải là nhận hối lộ chứ không phải tham ô. Nhưng nếu vậy thì phải có người đưa hối lộ, phải chứng minh được có sự thỏa thuận…

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho Mai Văn Phúc, cũng đặt câu hỏi: “Căn cứ nào để chứng minh Dũng, Phúc có thỏa thuận với Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP (Singapore), về việc “lại quả” 1,666 triệu USD? Cáo trạng nói giữa Công ty AP và Global Success (công ty môi giới của Nga) có ký thỏa thuận Công ty AP có trách nhiệm bảo đảm hợp đồng mua bán, xuất khẩu ụ nổi tới Việt Nam. Thỏa thuận ghi rõ việc ăn chia số tiền bán ụ nổi, Công ty Global được hưởng 4,334 triệu USD, chuyển cho một bên thứ ba do công ty này chỉ định số tiền 1,666 triệu USD bằng thư tín dụng (bằng đúng số tiền chuyển về tài khoản Công ty Phú Hà của em gái bị cáo Trần Hải Sơn). Cáo trạng cũng thể hiện cơ quan điều tra đã đề nghị tương trợ tư pháp với cơ quan công tố Liên bang Nga làm rõ việc này. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết, đến nay chưa có kết quả tương trợ tư pháp với cơ quan công tố của Nga nên cơ quan điều tra chưa có kết luận về việc nói trên.

“Tại sao không cần chờ kết quả tương trợ tư pháp đã đưa ra cáo buộc mang tính suy đoán có tội như vậy? Nếu chỉ có Global và AP thỏa thuận với nhau thì rõ ràng không phải tội tham ô” - luật sư Thiệp lập luận. Từ đó, luật sư đề nghị tách tội danh tham ô khỏi vụ án này, giao điều tra lại.

Đối với cáo buộc cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng cho rằng bị cáo này chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ba nguyên cán bộ hải quan bị oan?

Trái ngược với lời khai tại cơ quan điều tra được trích dẫn trong cáo trạng, tại tòa, ba bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (nguyên là cán bộ hải quan) một mực khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển do ụ nổi không có động cơ, không tự di chuyển được nếu không có phương tiện kéo và là thiết bị dùng để sửa chữa tàu… Đại diện Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam có mặt tại tòa cũng đều xác nhận điều này.

Trong khi đó, theo cơ quan công tố, ba bị cáo tuy biết ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩu theo Nghị định số 49/2006/NĐ-CP (về đăng ký và mua, bán tàu biển), do tính đến thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, ụ nổi này đã 43 tuổi nhưng vẫn cho thông quan (theo quy định, tàu biển đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam không quá 15 tuổi). Từ nhận định này, đại diện VKS đã đề nghị mức án từ sáu đến tám năm tù đối với ba bị cáo này về tội cố ý làm trái.

Khi luật sư hỏi: “Nếu ụ nổi không phải là tàu nhưng cơ quan điều tra và VKS lại vận dụng các quy định của pháp luật về tàu để kết tội các anh thì thế nào?”. Các bị cáo đáp: “Như vậy là không đúng, các bị cáo bị oan”.

Càng để ụ nổi càng tốn kém

Ụ nổi 83M được làm thủ tục nhập khẩu từ 6-6-2008. Kinh phí để mua, vận chuyển về Việt Nam và sửa chữa 83M được điều chỉnh lần thứ hai đã lên tới 26 triệu USD.

Tại tòa, đại diện của Vinalines (nguyên đơn dân sự) trong vụ án này cho biết ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu, chi phí bảo vệ và trông coi xấp xỉ 1 tỉ đồng mỗi tháng.

“Chi phí mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng thì tổng chi phí trông coi những năm qua là bao nhiêu? Ụ này qua rất nhiều lần sửa chữa, tổng chi phí hết bao nhiêu? Thực trạng liệu có sửa chữa được nữa không? Tổng công ty có báo cáo gì với cơ quan chủ quản về vấn đề này?” - chủ tọa hỏi.

“Đến giờ phút này, các phương án đưa vào khai thác sử dụng không còn khả thi, Vinalines đã có phương án xin được phép thanh lý để giảm tải thiệt hại cho Nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được chấp thuận do đây là vật chứng trong vụ án” - vị này cho biết.

HĐXX nhiều lần nhắc các luật sư bào chữa ngắn gọn, trọng tâm, không lan man, dài dòng, không nhắc lại phần luật sư đồng nghiệp đã nêu... Đáp lại, luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển… khá gay gắt cho rằng khi thân chủ phải đối diện với mức án cao nhất, họ có quyền được trình bày hết mọi lý lẽ, cả về tình và lý. HĐXX thậm chí còn nhắc luật sư Triển: “Nói vừa đủ nghe thôi”. Luật sư này liền đáp lại: “Tôi đã ăn to nói lớn quen rồi”.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm