Đủ kiểu móc túi đủ kiểu trên đường cao tốc

Đủ kiểu móc túi đủ kiểu trên đường cao tốc ảnh 1

 Sau khi xe cứu hộ kéo ôtô bị sự cố này ra khỏi đường cao tốc, tài xế V. phải chi tiền “cà phê” 200.000 đồng - Ảnh: S.B.

Thế nhưng trên thực tế tài xế vẫn phải chung chi tiền “cà phê”.

Xe cứu hộ còn móc nối cho các tiệm vá vỏ ôtô bên ngoài vào đường cao tốc hành nghề và “chặt chém” tài xế...

Trấn lột tài xế

Lúc 13g ngày 4-3, chúng tôi thuê ôtô con 62A-01... đi từ TP.HCM về Tiền Giang theo đường cao tốc. Khi vừa qua khỏi cầu Tân Hương thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang thì xe bị xẹp vỏ trước bên trái nên phải nằm đường. Tài xế V. gọi cho Trung tâm Quản lý đường cao tốc (số 0733.936274) trình bày sự cố thì một nhân viên của trung tâm bảo: “Sẽ điều xe cứu hộ đến giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, chúng tôi phải chờ gần một giờ sau xe cứu hộ Sài Gòn mang biển số 57K-0258 mới chạy đến.

Sau khi chụp hình khu vực hiện trường, ba nhân viên cứu hộ kéo xe của anh V. đi và dừng trước tiệm vá vỏ ôtô Minh Quỳnh (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang) rồi giao xe cho chủ tiệm này. Một nhân viên cứu hộ đưa sổ yêu cầu tài xế V. ký tên xác nhận vụ việc rồi bảo: “Đưa trăm rưởi”. Anh V. hỏi lại: “Cái gì? Một triệu rưỡi hả?”. Nhân viên cứu hộ đáp: “Không, một trăm rưởi. Hai trăm cũng được”. Anh V. hỏi lại: “Tiền gì vậy, kéo xe miễn phí mà?”. Người này thản nhiên: “Tiền cà phê cà pháo chứ gì!”. Lúc này anh V. đành phải móc bóp lấy ra tờ 200.000 đồng đưa cho nhân viên cứu hộ.

Chủ tiệm vá vỏ Minh Quỳnh tiết lộ: “Xe nhỏ như vầy tụi nó kéo ra ngoài rồi quất tiền tài xế. Còn trường hợp xe tải lớn bị sự cố, tụi nó gọi vô vá tại chỗ luôn, nhưng để được tụi nó gọi thì phải biết điều chung chi 200.000-300.000 đồng/xe”.

Cứu hộ, vá vỏ bắt tay “chặt chém”

Về nguyên tắc, xe bị nổ vỏ hay cán đinh xẹp vỏ trên đường cao tốc thì phải kéo ra ngoài, nhưng nhiều xe tải bị xẹp vỏ thì cứu hộ chỉ đến... chụp hình rồi gọi thợ vào đường cao tốc vá tại chỗ để lấy tiền “cà phê” của tiệm vá vỏ.

Sáng 6-3, nhận được thông tin một xe bể vỏ trên đường cao tốc, một thợ vá vỏ ở Tiền Giang gọi điện cho cứu hộ: “Lên đầu trên đường cao tốc gặp cứu hộ đưa bao nhiêu?”. Nhân viên cứu hộ (không rõ tên) trả lời: “Năm chục, một trăm được rồi mày ơi”. Thợ vá vỏ trả lời: “Ừa, tao hỏi để biết mà tính” rồi cúp máy. Anh thợ này giải thích với chúng tôi: “Hỏi biết để nâng giá tiền công. Tiền này sau đó chung chi cho bên cứu hộ. Không hỏi, một lát tụi nó xin ba bốn trăm thì lỗ chết luôn”.

Tài xế Đinh Công Tuấn (Tiền Giang) kể: “Chiều 17-2, tôi chở bia trên đường cao tốc hướng TP.HCM về Trung Lương. Khi đến km28 thì xe tải nổ vỏ sau và gãy một con tắc kê. Tôi điện thoại cho Trung tâm Quản lý đường cao tốc xin cứu hộ. Xe cứu hộ đến nhưng xe tôi nặng gần 10 tấn nên xe cứu hộ không kéo nổi, họ gọi điện cho một tiệm vá vỏ bên ngoài vào vá luôn”. Vá vỏ và thay tắc kê xong, thợ vá vỏ đòi tiền công đến 1.480.000 đồng! Anh Tuấn thắc mắc sao lấy giá cao như vậy nhưng người thợ không trả lời...

Tài xế Huỳnh Ngọc Nhiều (Kiên Giang) kể cuối năm 2012 anh lái xe tải chạy trên đường cao tốc và bị nổ vỏ tại km35. Do xe tải nặng, cứu hộ không kéo được, phải gọi vá xe di động đến. Vá xong, thợ vá vỏ “chém” 500.000 đồng/lỗ vá. Ông Nhiều thắc mắc nhưng đội cứu hộ túc trực ở đó không can thiệp, họ chỉ chụp hình hiện trường, bắt ông ký tên rồi bỏ đi...

Còn tài xế Nguyễn Quang Danh (Ninh Bình) điều khiển xe tải 8 tấn 54P-43... trên đường cao tốc bị nổ vỏ. Xe cứu hộ cũng có mặt đặt biển báo rồi chụp hình, bắt anh ký tên vào sổ... Sau đó xe vá vỏ cũng đến vá tại chỗ nhưng nhân viên cứu hộ bảo anh Danh phải đưa tiền cà phê hết 500.000 đồng.

Lập hồ sơ khống để lấy tiền công cứu hộ?

Trung tâm Quản lý đường cao tốc ký hợp đồng với Công ty cổ phần dịch vụ Vân Sơn (Cứu hộ Sài Gòn) túc trực 24/24 giờ để xử lý các sự cố trên đường cao tốc. Số tiền trung tâm chi trả cho Cứu hộ Sài Gòn căn cứ hồ sơ, hình ảnh giải quyết sự cố của xe cộ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp xe cứu hộ không kéo xe bị sự cố ra ngoài mà gọi người vá vỏ lưu động vào đường cao tốc vá rồi bày biện hiện trường, chụp ảnh, bắt tài xế ký tên xác nhận có “cứu hộ” để làm hồ sơ quyết toán...

Ông Nguyễn Trung Dũng - phó giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc, cho biết trung bình có 10 vụ ôtô bị sự cố/ngày đêm cần xe cứu hộ giải quyết. Trung bình mỗi ngày trung tâm chi trả cho đơn vị cứu hộ khoảng 30 triệu đồng, tức gần cả tỉ đồng/tháng. Ông Dũng thừa nhận có nghe những chuyện tiêu cực mà chúng tôi đề cập nhưng lại nói: “Cứu hộ Sài Gòn là đơn vị hợp đồng đảm bảo cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc. Chúng tôi không kiểm soát những việc làm sai trái hay có thẩm quyền xử lý họ”.

Chúng tôi hỏi có hay không việc nhân viên cứu hộ lập hồ sơ khống để rút tiền của Nhà nước, ông Dũng cho biết: “Xe cứu hộ thường có tải trọng 8 tấn nên không cẩu nổi những xe có tải trọng lớn hơn. Trong trường hợp này cứu hộ có nhiệm vụ điều xe cẩu khác lớn hơn đến xử lý an toàn. Những việc làm như chụp hình hiện trường khi chưa cứu hộ hoặc chưa hoàn tất việc cứu hộ mà bắt tài xế ký tên xác nhận để làm hồ sơ quyết toán là sai, nhưng việc này khó kiểm tra xử lý(?)”.

Ông Phạm Tất Thành, giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Vân Sơn, cho biết sẽ đuổi việc những nhân viên cứu hộ móc nối với vá xe để “chặt chém”, vòi vĩnh tiền của tài xế xe gặp nạn trên đường cao tốc.

Chúng tôi hỏi: “Có hay không việc nhân viên cứu hộ chụp hình xe, lập hồ sơ khống để thanh toán tiền?”, ông Thành giải thích: “Khi xe cứu hộ nhận tin báo xuống hiện trường, dù cẩu xe bị sự cố ra hay không cũng phải chụp hình. Có khi xe gặp nạn tự giải quyết sự cố trước đó thì cứu hộ cũng phải chụp hình nơi mình đến để lưu hồ sơ thanh toán. Đó là một phần trong quy trình cứu hộ nên không thể gọi là hiện trường giả”.

Theo SƠN BÌNH (TTO) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm