Giám đốc Công an Cần Thơ: Trấn áp, xử lý mạnh tội phạm sau giãn cách

Từ khi cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ Công an đã có dự báo tình trạng tội phạm sẽ gia tăng nên chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt hàng loạt biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.

TP Cần Thơ là địa bàn trung tâm vùng ĐBSCL, nhiều đối tượng hoạt động tội phạm nhắm đến, và đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, đã dành cho Pháp Luật TP.HCM cuộc trao đổi xung quanh công tác nhận diện, đánh giá, dự báo... cùng các biện pháp đấu tranh với tội phạm tại địa phương và khu vực này.

 
52%
số vụ án giết người ở TP Cần Thơ giảm; số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 32,7%, cướp tài sản giảm 25%, cướp giật giảm 40%, trộm cắp tài sản giảm 22,7%... so với 10 tháng cùng kỳ năm 2020. Tỉ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỉ lệ 97%; tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí. 

Đại dịch gây nhiều hệ quả tiêu cực cho an ninh trật tự

. Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, nhận định của ông về tình hình diễn biến các loại tội phạm sau khi trở về trạng thái bình thường mới?

+ Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (ảnh): Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sau khi kiểm soát được dịch, Cần Thơ đã chuyển sang thực hiện trạng thái bình thường mới.

Khi chuyển sang trạng thái mới, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, diễn biến các loại tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ có những diễn biến phức tạp.

. Trong các loại tội phạm thì loại tội phạm nào sẽ bùng phát mạnh và nguyên nhân vì sao, thưa Thiếu tướng?

+ Một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ có những diễn biến phức tạp. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, số bất mãn, cơ hội chính trị xâm phạm đến an ninh quốc gia gia tăng. Những đối tượng này lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, đăng tải trên mạng xã hội những thông tin sai sự thật nhằm chống phá.

Nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu (trộm cắp, cướp giật, lừa đảo); tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen; tội phạm về ma túy; tệ nạn xã hội; các vi phạm trên không gian mạng và tội phạm công nghệ cao tiếp tục là những thách thức lớn trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 và đại dịch COVID-19.

Công an TP Cần Thơ ra quân trấn áp tội phạm. Ảnh: H.DƯƠNG

Theo đánh giá, những tác động tiêu cực, nặng nề do đại dịch sẽ còn ảnh hưởng lâu dài lên các mặt của đời sống xã hội, nhất là tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp, vấn đề về an sinh xã hội sẽ là nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Các nhóm tội phạm về chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen sẽ trở lại hoạt động mạnh nhằm “bù đắp” sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội và nhu cầu cần về nguồn vốn của một số doanh nghiệp, người dân sau đại dịch.

Trấn áp mạnh, xử nghiêm việc bảo kê song song với ngăn chặn từ đầu

. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Cần Thơ đã có kế hoạch, giải pháp gì để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này?

+ Mục tiêu cao nhất của Công an TP Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát tốt dịch COVID-19; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm yên dân, không để xảy ra bất ổn chính trị xã hội, xung đột xã hội.

Công an TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trong đó sẽ tập trung đấu tranh các loại tội phạm có tổ chức liên quan đến tín dụng đen, tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine, trục lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ban giám đốc đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch.

Ngành công an chủ động đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm nổi lên ngay từ địa bàn cơ sở, từ khi mới nhen nhóm hình thành, không để hoạt động lộng hành hoặc phát sinh tình hình trật tự xã hội phức tạp, gây lo lắng, bất an trong nhân dân.

Công an cũng chủ động xây dựng phương án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo, tin giả, vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng với tinh thần là không khoan nhượng...

Với kế hoạch và giải pháp cụ thể đã đề ra, Ban giám đốc đã chỉ đạo toàn ngành, đến cấp cơ sở xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm một cách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương mình, đồng thời làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp... Đặc biệt chú trọng theo hướng giải quyết những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm, tập trung làm công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ, giải quyết những khó khăn về đời sống của nhân dân do tác động của đại dịch COVID-19.

. Công an TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện như thế nào, những kết quả bước đầu và phương hướng trong thời gian tới, thưa Thiếu tướng?

+ Công an xây dựng kế hoạch đến từng phòng, ban, cơ sở, chú trọng việc kết hợp giữa tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 với việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng chống tội phạm. Công an cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua mạng Internet, mạng xã hội để người dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, hỗ trợ cho ngành công an.

Ngành công an đấu tranh quyết liệt, không để xảy ra tình hình phức tạp kéo dài; chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt các đối tượng có nguy cơ hoặc có khả năng, điều kiện phạm tội; tiếp tục nắm tình hình, diễn biến các hội, nhóm trên không gian mạng; kịp thời ngăn chặn, vận động, răn đe người vi phạm…

TP Cần Thơ tiếp tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chuyên đề, đối tượng, nhất là thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán 2022. Trong đó tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh đối với tội phạm có tổ chức, liên quan tín dụng đen, kiên quyết không để tồn tại băng, ổ nhóm tội phạm dưới mọi hình thức, không để tội phạm lộng hành, gây bức xúc dư luận.

Song song đó, Công an TP Cần Thơ kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ trường hợp nào bao che, dung túng, “bảo kê” cho tội phạm.

Phối hợp với các tỉnh trong khu vực và địa bàn giáp ranh

. Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, việc đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm luôn phức tạp. Tuy nhiên, như nhận định của Bộ Công an là tội phạm có xu hướng lưu động, dịch chuyển và hoạt động liên vùng, liên tỉnh. Vậy công tác phối hợp với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh thế nào, thưa Thiếu tướng?

+ Trong thời gian qua, Công an TP Cần Thơ luôn duy trì và phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các tỉnh giáp ranh và khu vực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự theo hướng: Phối hợp với công an cấp tỉnh; giữa các phòng nghiệp vụ theo hệ, lĩnh vực và giữa các quận, huyện với các huyện giáp ranh.

Thông qua công tác phối hợp, ngành công an làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nhanh chóng các loại tội phạm, các tụ điểm, ổ nhóm tiến tới làm trong sạch địa bàn và phát động phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, dân vận, tuyên truyền... ở khu vực giáp ranh vừa trao đổi, học tập kinh nghiệm vừa giữ vững an ninh.

. Thiếu tướng có cảnh báo, khuyến cáo nào cho người dân trong việc nhận diện, ngăn ngừa tội phạm?

+ Sau giãn cách xã hội cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội, lợi dụng sơ hở của người dân để thực hiện hành vi phạm tội. Nhất là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu; hoạt động tín dụng đen, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy; tệ nạn cờ bạc, các vi phạm trên không gian mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Do vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản, chủ động phòng ngừa, không để cho các đối tượng xấu có điều kiện thực hiện tội phạm. Tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm.

Công an TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo, đài, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội đến từng người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu… Đặc biệt là các loại tội phạm phát sinh trong và sau dịch COVID-19, cách phòng ngừa với người tâm thần có xu hướng bạo lực, đối tượng ngáo đá...

. Xin cám ơn Thiếu tướng.•

Xử lý hình sự 109 vụ phạm tội trên không gian mạng

Thời gian qua Công an TP Cần Thơ thường xuyên theo dõi, nắm tình hình trên không gian mạng, lập hồ sơ đưa vào diện quản lý đối với các đối tượng, hội, nhóm lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, các sự kiện chính trị lớn của đất nước để đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung xuyên tạc nhằm tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước. Cạnh đó, công an kịp thời thu thập tài liệu, chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến tháng 10-2021, Công an TP đã phát hiện gần 400 vụ việc, hơn 1.000 tài khoản trên các trang mạng xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan CSĐT đã củng cố, thu thập tài liệu, chứng cứ khởi tố 109 vụ án, 179 bị can. Cụ thể, đã khởi tố 10 vụ, 16 bị can về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS và 99 vụ với 163 bị can về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, mua bán trái phép các chất ma túy.

Công an cũng xử lý các nhóm kín (Zalo, Facebook) kêu gọi tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe trái phép và đang xác minh, xử lý các vi phạm khác theo quy định.

Công an TP cũng phối hợp với Sở TT&TT phát hiện, xử lý trên 1.000 tài khoản Facebook, Zalo vi phạm trên không gian mạng. Những chủ tài khoản này chủ yếu thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân và đăng tin giả về tình hình an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch COVID-19.

 

.........................

CÁC LÝ DO LÀM TỘI PHẠM GIA TĂNG

Kết hợp phòng dịch với chống tội phạm

Sau khi dịch bệnh được khống chế, xã hội dần trở lại bình thường thì tội phạm quay lại hoạt động, thậm chí còn tăng hơn trước.

Lý do cơ bản là các băng, nhóm tội phạm chuyên nghiệp sẽ phạm tội manh động, liều lĩnh hơn vì sau thời gian dài không hoạt động và bị mất thu nhập. Thứ hai là khó khăn về kinh tế của một bộ phận lớn người dân dễ tìm đến tín dụng đen. Kế đến là sự hạn chế trong sinh hoạt trong thời gian dài gây ra những ức chế về tâm sinh lý, khiến một số cá nhân khó kiềm chế cảm xúc trước những tình huống mâu thuẫn trong sinh hoạt đời thường và trong giao tiếp với những người thi hành công vụ.

Thứ tư là việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý việc mua sắm các trang thiết bị y tế có khả năng là môi trường cho các hành vi tham nhũng. Cuối cùng, tuy không nhiều nhưng có là tâm lý sống gấp, sống hưởng thụ sau khi sống qua cơn đại dịch.

Từ việc xác định các nguyên nhân cơ bản, lực lượng chức năng sẽ có biện pháp ứng phó phù hợp như: Giám sát các khu vực từng là các điểm nóng của tội phạm; phát huy lực lượng cơ sở; kết hợp chặt giữa phòng dịch và chống tội phạm; tuyên truyền người dân cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe của bản thân.

Ở tầm vĩ mô, cần có những biện pháp hỗ trợ tâm lý cho những người bị khủng hoảng tinh thần; Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách, gói an sinh xã hội
thiết thực đến từng hộ gia đình, xử nghiêm các hành vi tham nhũng...

Về lâu dài, cần triển khai đồng bộ hơn nhiều biện pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, triển khai các biện pháp giáo dục trong nhà trường và xã hội, các giải pháp phát triển kinh tế, phân bổ thu nhập… phù hợp.

TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH, giảng viên bộ môn Tội phạm học, Khoa luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM

Khó khăn tạo điều kiện cho tín dụng đen nở rộ

TP.HCM là địa bàn phức tạp về tình hình tội phạm. Trong thời gian giãn cách xã hội, tình hình tội phạm có tạm lắng xuống vì người dân ở tại chỗ, các lực lượng tăng cường nên đối tượng phạm tội không có điều kiện để ra tay.

Hiện TP.HCM đã trở lại giai đoạn bình thường mới, chắc chắn các loại tội phạm hình sự như cướp giật, trộm cắp, buôn bán ma túy, lừa đảo trên không gian mạng... sẽ gia tăng.

Về tội phạm tín dụng đen, sau giãn cách, rất nhiều người, đặc biệt là người lao động nghèo gặp khó khăn, họ sẽ tìm đến các đối tượng này và các đối tượng cũng nắm bắt nhanh xu hướng, tạo ra app vay nóng, thủ đoạn tinh vi hơn.

Ngành công an đã dự báo và TP.HCM đã có các kế hoạch để phòng chống tội phạm theo các phương án phù hợp nhưng căn bản luôn là quản lý các đối tượng, tăng cường kiểm tra hành chính, tuần tra kiểm soát, đấu tranh trấn áp, làm trong sạch địa bàn, tuyên truyền người dân.

Để đấu tranh hiệu quả, TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt các địa bàn vùng ven, giáp ranh, tội phạm liên tỉnh. Với người dân, cần nâng cao ý thức cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe của mình.

TS ĐOÀN VĂN BÁU,chuyên gia tâm lý tội phạm

TRÚC PHƯƠNG - NGUYỄN TÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm