Hai phương án xử lý thủy điện Sông Tranh 2

Hai phương án xử lý thủy điện Sông Tranh 2 ảnh 1
GS-TS Vũ Trọng Hồng (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói: “Tôi cho rằng ý kiến có thể sẽ không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vĩnh viễn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (Pháp Luật TP.HCM ngày 17-11) là rất xác đáng. Với trách nhiệm tư lệnh ngành, hơn ai hết Bộ trưởng Dũng phải hiểu rõ mức độ an toàn của công trình đến đâu. Với tình hình khó lường như hiện nay, không ai dám chắc động đất sẽ giảm cả về số lượng lẫn cường độ. Theo tôi, cấm tích nước vĩnh viễn thôi chưa đủ mà phải kết hợp mở xả đáy hồ”.

. Là người từng nhiều năm nghiên cứu và chỉ đạo xây dựng một số công trình hồ đập lớn trên cả nước, ông nhận định gì về chất lượng công trình thủy điện Sông Tranh 2?

+ Khi nghiên cứu, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế biết vùng Bắc Trà My có kết cấu địa hình phức tạp, nhạy cảm về động đất, nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động nhưng vẫn nhất quyết xây dựng thủy điện tại đây. Đó là một quyết định sai lầm.

Hai phương án xử lý thủy điện Sông Tranh 2 ảnh 2

Sau khi khảo sát thực tế thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (áo sậm, hàng trước) cho rằng có thể sẽ không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vĩnh viễn. Ảnh: L.PHI

Về chất lượng thi công, nếu chiếu theo các quy chuẩn thủy điện của Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản, công trình này không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Đập thủy điện Sông Tranh 2 không có tường bê tông thép chống thấm, nhà thầu Trung Quốc áp dụng công nghệ không đúng quy trình khiến cho các khe nhiệt co giãn bị nứt.

Tôi xin dẫn chứng: Đập thủy lợi Định Bình (tỉnh Bình Định) do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 6 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư, Công ty Xây dựng 47 thi công vào năm 2003 và hoàn thành 6-2009. Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực đầm lăn, có tường bê tông thép chống thấm... và đến nay chất lượng vẫn rất tốt. Trong khi đập Sông Tranh 2 có cùng công nghệ đầm lăn nhưng mới đi vào hoạt động, chưa nghiệm thu mà đã nứt, thấm nước thì đúng là chất lượng công trình có vấn đề.

. Nếu cấm tích nước vĩnh viễn thì phải xử lý thủy điện Sông Tranh 2 ra sao, thưa ông?

+ Theo Luật Xây dựng, khi công trình gặp sự cố thì phải khắc phục. Trường hợp sự cố ảnh hưởng đến độ an toàn nhưng không thể khắc phục thì phải tính đến phương án phá bỏ công trình. Có hai phương án xử lý thủy điện Sông Tranh 2 nếu cấm tích nước vĩnh viễn. Một là cho nổ mìn phá đập nhưng cách này hơi nguy hiểm do công trình nằm ở vùng địa chất phức tạp, nhạy cảm nên có thể gây ra động đất mạnh hơn.

Còn phương án thứ hai là làm tường chống gia cố đằng sau đập để sau này khi địa chất khu vực đi vào ổn định thì có thể tái sử dụng công trình. Tuy nhiên, trước hết chủ đầu tư buộc phải làm cửa xả đáy để tháo cạn nước còn lại trong hồ, vừa giảm kích thích động đất vừa cung ứng nước cho hạ du.

. Trên thế giới đã có nước nào phá đập thủy điện vì lý do tương tự như Sông Tranh 2 chưa, thưa ông?

+ Đó là chuyện bình thường ở nhiều nước, chẳng hạn ở Mỹ từng có nhiều đập thủy điện bị phá bỏ do không đảm bảo an toàn khi hoạt động.

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm